1. Không trả sổ BHXH cho NLĐ, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền
Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Cụ thể, phạt tiền từ 02 triệu đồng đến 04 triệu đồng khi vi phạm với mỗi NLĐ nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không trả sổ BHXH cho NLĐ theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Luật BHXH.
Lưu ý: Đây là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ phạt gấp đôi nếu có cùng hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, tăng mức xử phạt lên 02 triệu đồng đến 04 triệu đồng đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có một trong các hành vi:
- Tổ chức dạy nghề không đủ thời gian khóa học mà NLĐ tham gia bảo hiểm thất nghiệp đăng ký đối với mỗi NLĐ vi phạm nhưng tối đa không quá 150 triệu đồng;
- Thỏa thuận với cá nhân, tổ chức có liên quan để trục lợi số tiền hỗ trợ học nghề đối với mỗi trường hợp vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
(Hiện hành, mức xử phạt là từ 01 đến 02 triệu đồng đối với mỗi NLĐ và không quy định mức phạt tối đa).
Nghị định 28/2020/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 15/4/2020.
2. Bộ LĐ-TBXH cần có phương án hỗ trợ NLĐ bị thôi việc, mất việc do Covid-19
Đây là nội dung nổi bật tại Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương tập trung xử lý, giải quyết các vướng mắc về lao động, báo cáo Thủ tướng trong tháng 3/2020 các vấn đề sau:
- Tình hình lao động, việc làm trong các doanh nghiệp; có biện pháp đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và các giải pháp để động viên tinh thần của NLĐ;
- Có phương án hỗ trợ đào tạo lao động phù hợp và hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19;
- Có phương án hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn lao động thay thế trong trường hợp thiếu hụt lao động, chuyên gia nước ngoài.
3. Bổ sung quy định về cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật
Ngày 05/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 32/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (có hiệu lực từ 15/05/2020).
Theo đó, bổ sung quy định về cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật như sau:
- Cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật được huy động để tham gia hoạt động thu thập, tổng hợp thông tin; điều tra, khảo sát; tham gia ý kiến về xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
- Các tổ chức được huy động tham gia làm cộng tác viên phải có lĩnh vực hoạt động phù hợp với lĩnh vực cần theo dõi tình hình thi hành pháp luật; cá nhân cần am hiểu lĩnh vực cần theo dõi.
- Cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật thực hiện theo chế độ hợp đồng theo từng vụ việc cụ thể, trừ trường hợp cộng tác viên là cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách.
4. Hướng dẫn giải quyết tranh chấp tài sản chung của dòng họ
Nội dung này được hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐTP về áp dụng quy định của pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ.
Đơn cử, đương sự trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ như sau:
- Nguyên đơn trong vụ án là người khởi kiện:
+ Thành viên dòng họ có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ;
+ Dòng họ không phải là nguyên đơn; tập thể (ví dụ: chi họ, nhánh họ, hội đồng gia tộc...) không có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích chung của dòng họ.
- Bị đơn trong vụ án là người bị kiện: Bị đơn có thể là thành viên dòng họ hoặc người không phải là thành viên dòng họ nhưng có quyền, nghĩa vụ liên quan đến tài sản chung của dòng họ.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là người tuy không khởi kiện, không bị kiện nhưng việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐTP được HĐTP TANDTC thông qua ngày 21/02/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2020.