Theo đó, để đạt được mục tiêu giảm tối thiểu 30% tổng lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với mức phát thải khí mê-tan năm 2020 thì cần thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí mê-tan trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải sau đây:
- Điều tra, đánh giá hiện trạng phát sinh chất thải rắn, các mô hình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn đang triển khai tại các địa phương.
- Xây dựng, hoàn thiện và tối ưu hóa hệ thống quản lý chất thải rắn; cải tiến việc thu gom, vận chuyển, phân loại, tái sử dụng, tái chế, xử lý và chôn lấp chất thải rắn.
- Hướng dẫn xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phân loại, thu gom, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, vận chuyển, xử lý chất thải rắn theo quy định, phù hợp với đặc điểm các khu dân cư tập trung, đô thị, nông thôn.
- Hướng dẫn và tổ chức thực hiện lựa chọn, áp dụng rộng rãi công nghệ xử lý chất thải rắn và nước thải tiên tiến, hiện đại.
- Thực hiện kiểm tra và đánh giá hiệu quả việc hạn chế phát sinh chất thải ra môi trường nhằm giảm phát thải khí mê-tan thông qua việc thực hiện phát triển:
+ Năng lượng sinh khối,
+ Năng lượng từ đốt chất thải,
+ Sản xuất phân bón hữu cơ,
+ Tiêu thụ các sản phẩm tái chế, tái sử dụng.
- Hướng dẫn xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình mới giảm phát thải khí mê-tan phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội và năng lực quản lý chất thải của địa phương.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường còn ban hành kèm theo Quyết định 569/QĐ-BTNMT năm 2023 Danh mục nhiệm vụ ưu tiên thực hiện Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030 với 16 nhiệm vụ ưu tiên theo 02 giai đoạn đến năm 2025 và đến năm 2030.
Quyết định 569/QĐ-BTNMT có hiệu lực từ ngày 14/3/2023.