Theo đó, trong 3 tháng đầu năm 2023 đã có 23 ca tử vong do bệnh Dại, nguy cơ bệnh Dại tiếp tục xảy ra và gây tử vong trên người là rất cao.
Do vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cá nhân, cơ quan có liên quan tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh Dại; trong đó, chú trọng các nội dung sau:
- Chủ tịch UBND cấp tỉnh:
+ Ban hành văn bản chỉ đạo UBND các cấp và các sở, ngành liên quan triển khai các hoạt động cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
+ Xây dựng, phê duyệt và bố trí đủ nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng, chống bệnh Dại của địa phương, ưu tiên mua, tổ chức tiêm vắc xin Dại cho đàn chó, mèo đồng loạt.
+ Tổ chức thống kê chính xác số hộ nuôi và số chó, mèo; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo và tiêm vắc xin theo quy định.
+ Chỉ đạo UBND các cấp chủ động phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn trong giai đoạn 2023 - 2025 và trên 80% trong giai đoạn 2026 - 2030.
+ Tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vắc xin Dại được quy định tại Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017...
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương:
+ Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong xây dựng kế hoạch cụ thể để chủ động phòng, chống bệnh Dại.
+ Ưu tiên bố trí nguồn lực, kinh phí để triển khai có hiệu quả các hoạt động của Chương trình quốc gia, các chiến dịch truyền thông về các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên các phương tiện truyền thông của Trung ương.
+ Chủ động thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống bệnh Dại tại các địa phương.
+ Tăng cường giám sát phát hiện các ca bệnh Dại với sự hỗ trợ và tham gia của cộng đồng dân cư theo hướng tiếp cận “Một sức khỏe”.
+ Chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành tăng cường nghiên cứu, phối hợp với các doanh nghiệp để sản xuất vắc xin Dại nhằm chủ động nguồn cung ứng trong nước và giảm giá thành.
+ Đề xuất với cấp có thẩm quyền hỗ trợ vắc xin Dại và huyết thanh kháng Dại điều trị dự phòng cho người nghèo vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; bổ sung chính sách bảo hiểm y tế đối với người bị chó cắn...
- Bộ Tài chính chủ trì và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế cân đối, bố trí kinh phí thường xuyên cho các bộ để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Dại.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế tổ chức xây dựng, thực hiện kế hoạch truyền thông học đường về phòng, chống bệnh Dại.
- Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống bệnh Dại.
Xem nội dung chi tiết tại Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 21/4/2023.