Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Quyết định 2000/QĐ-BGDĐT năm 2023 ban hành Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non với thời gian bồi dưỡng được quy định tại Mục 3 như sau:
- Tổng thời gian là: 03 tuần x 05 ngày làm việc/tuần x 08 tiết/ngày = 120 tiết (có thể tổ chức vào ngày nghỉ, tổng thời gian 120 tiết).
- Phân bổ thời gian:
+ Lý thuyết, thảo luận: 72 tiết;
+ Giải quyết bài tập tình huống, hướng dẫn thực hành: 44 tiết;
+ Đánh giá kết quả bồi dưỡng: 04 tiết.
(Trước đây, tổng thời gian bồi dưỡng được quy định trong Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non của Quyết định 2189/QĐ-BGDĐT năm 2016, Quyết định 2188/QĐ-BGDĐT năm 2016, Quyết định 2186/QĐ-BGDĐT năm 2016 là: 6 tuần x 5 ngày làm việc/tuần x 8 tiết/ngày = 240 tiết).
Bên cạnh việc rút ngắn thời gian bồi dưỡng, còn có một số nội dung đáng chú ý sau:
Đối tượng tham gia bồi dưỡng:
Viên chức giảng dạy chương trình giáo dục mầm non bao gồm: giáo viên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, bao gồm: trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập công lập chưa có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định.
Các cá nhân có nhu cầu bồi dưỡng, cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non.
Chương trình gồm 08 chuyên đề, được bố cục thành 03 phần:
Phần I: Kiến thức chung (gồm 03 chuyên đề).
Phần II: Kiến thức về hoạt động nghề nghiệp (gồm 05 chuyên đề).
Phần III: Đánh giá kết quả bồi dưỡng.
Học viên đáp ứng đủ 03 yêu cầu sau được đánh giá đạt yêu cầu và được cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo quy định:
Tham gia học tập đầy đủ theo quy định của chương trình bồi dưỡng.
Làm bài đánh giá kết quả bồi dưỡng theo yêu cầu của cơ sở bồi dưỡng và đạt kết quả từ 05 điểm trở lên.
Chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về bồi dưỡng viên chức; nội quy học tập của cơ sở bồi dưỡng.
Xem chi tiết Quyết định 2000/QĐ-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 11/07/2023.