Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết 43-NQ/TW năm 2023.
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp và Nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
- Hoàn thiện chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước.
- Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết trong Đảng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
- Nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của Nhà nước trong phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
- Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiềm năng và sức sáng tạo của Nhân dân.
- Tham gia đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.
- Tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả.
Trong nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước, Chính phủ có yêu cầu: Xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng; xây dựng chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ doanh nhân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Xây dựng đề án chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ doanh nhân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Xem chi tiết tại Nghị quyết 94/NQ-CP ngày 19/6/2024.