1. Hướng dẫn hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ởBộ Tài chính ban hành Thông tư
18/2015/TT-BTC hướng dẫn lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung.
Đối tượng được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt quy định tại Quyết định
48/2014/QĐ-TTg được hỗ trợ với mức như sau:
- 16 triệu đồng/hộ nếu đang cư trú tại các thôn đặc biệt khó khăn.
- 14 triệu đồng/hộ nếu đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn.
- 12 triệu đồng/hộ nếu đang cư trú tại vùng còn lại.
Ngân sách trung ương hỗ trợ 100% đối với các địa phương Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Ngân sách trung ương hỗ trợ 50% đối với các địa phương Đà Nẵng, Khánh Hòa.
Thông tư có hiệu lực từ 18/03/2015, trong đó chính sách hỗ trợ được thực hiện từ ngày 15/10/2014.
2. Thay đổi màu sắc tàu cảnh sát biển Việt NamNội dung này được quy định tại Nghị định
13/2015/NĐ-CP sửa đổi Điều 9 Nghị định
86/2009/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Cụ thể:
Tàu tìm kiếm cứu nạn: Thân tàu sơn màu da cam, mặt boong màu xanh lá cây, cabin màu trắng với đường viền phía trên cabin màu da cam cùng dòng chữ VIETNAM COAST GUARD in hoa, màu trắng.
Tàu tuần tra, tàu bảo vệ môi trường và các loại tàu bảo đảm, hậu cần: thân tàu sơn màu trắng, mặt boong màu xanh lá cây, cabin màu trắng cùng dòng chữ VIETNAM COAST GUARD in hoa, màu xanh dương.
Trên các loại tàu này đều có dòng chữ CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM in hoa màu xanh dương.
Nghị định này có hiệu lực từ 31/03/2015.
3. Tăng mức trợ cấp đối với người có công với cách mạngTừ ngày 01/01/2015, người có công với cách mạng sẽ được nhận mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi mới theo quy định tại Nghị định
20/2015/NĐ-CP .
Theo đó, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi mới là 1.318.000 đồng (trước là 1.220.000 đồng).
Mức trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động cách mạng trước 01/01/1945, diện không thoát ly là 2.500.000 đồng (mức cũ: 2.315.000 đồng); diện thoát ly là 1.472.000 đồng (mức cũ: 1.363.000 đồng).
Các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng; mức trợ cấp thương tật đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; mức trợ cấp thương tật đối với thương binh loại B được quy định chi tiết tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.
Nghị định 20 có hiệu lực từ 01/04/2015 và thay thế Nghị định
101/2013/NĐ-CP .
4. Tăng trợ cấp hàng tháng cho cán bộ xã đã nghỉ việcNgày 13/02/2015, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư
01/2015/TT-BNV Hướng dẫn điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc.
Theo đó, từ ngày 01/01/2015, cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc (theo Điều 2 Nghị định
09/2015/NĐ-CP) hưởng mức trợ cấp hàng tháng = Mức trợ cấp được hưởng tháng 12/2014 x 1,08.
Cụ thể, mức trợ cấp hàng tháng (đã làm tròn) như sau:
+ Nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã: 1.568.000 đồng/tháng.
+ Nguyên là Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên Thư ký UBND, Thư ký HĐND xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã: 1.512.000 đồng/tháng.
+ Các chức danh còn lại: 1.388.000 đồng/tháng.
Thông tư này có hiệu lực từ 01/04/2015.
5. Tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chứcChính phủ vừa ban hành Nghị định
17/2015/NĐ-CP quy định tiền lương tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống.
Theo đó, mức tiền lương tăng thêm hàng tháng được tính theo công thức sau:
Mức tiền lương tăng thêm hàng tháng = Hệ số lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh x mức lương cơ sở 1.150.000 đồng x 8%.
Tuy nhiên, việc tăng lương này không áp dụng cho 3 nhóm đối tượng sau:
- Người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống đã được hưởng hệ số tiền lương tăng thêm hàng tháng bằng hoặc cao hơn 0,08 so với mức lương cơ sở.
- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố hưởng phụ cấp hàng tháng theo Nghị định
29/2013/NĐ-CP .
- Hạ sĩ quan, binh sĩ nghĩa vụ thuộc Quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn thuộc Công an nhân dân hưởng phụ cấp quân hàm.
Việc tăng lương này áp dụng từ 01/01/2015, tiền lương tăng thêm không dùng để tính đóng, hưởng BHXH, BHYT, BHTN và các loại phụ cấp lương.
Nghị định này có hiệu lực từ 06/4/2015.
6. Hướng dẫn chi tiết lập hồ sơ mời thầuBộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư
01/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập Hồ sơ (HS) mời quan tâm, HS mời thầu, HS yêu cầu dịch vụ tư vấn. Theo đó:
Khi đấu thầu rộng rãi có lựa chọn danh sách ngắn thì áp dụng Mẫu HS mời quan tâm và HS mời thầu, nếu không lựa chọn danh sách ngắn hoặc đấu thầu hạn chế thì áp dụng Mẫu HS mời thầu theo Thông tư này.
Trường hợp chỉ định thầu thì áp dụng Mẫu HS yêu cầu.
Khi lập HS mời quan tâm, mời thầu, tổ chức, cá nhân căn cứ vào quy mô, tính chất của gói thầu và điều kiện của thị trường để đưa ra yêu cầu.
Không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu phải tuân thủ theo Mẫu hợp đồng quy định trong HS mời thầu, HS yêu cầu.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/4/2015 và thay thế Thông tư
06/2010/TT-BKH ,
09/2011/TT-BKHĐT .
7. Miễn, giảm giá vé tàu hỏa cho đối tượng chính sách xã hộiTheo Nghị định
14/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt sẽ có 7 đối tượng được miễn, giảm giá vé tàu hỏa (hiện tại có 10 đối tượng). Mức miễn, giảm cụ thể:
- Người hoạt động cách mạng trước 01/01/1945; người hoạt động cách mạng từ 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945; bà mẹ Việt Nam anh hùng được giảm 90% giá vé.
- Các đối tượng là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; nạn nhân chất độc màu da cam; người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng được giảm 30% giá vé.
- Trẻ em dưới 6 tuổi đi cùng người lớn được miễn vé và phải sử dụng chung chỗ của người lớn đi cùng. Mỗi người lớn được kèm không quá 02 đối tượng miễn vé đi cùng.
Nghị định này có hiệu lực từ 15/04/2015 và thay thế Nghị định
109/2006/NĐ-CP ,
03/2012/NĐ-CP .