1. Nghị định 29/2015/NĐ-CP : Hướng dẫn Luật Công chứng 2014
Khi chuyển đổi Phòng công chứng (PCC) phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Văn phòng công chứng mới phải kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và tiếp nhận toàn bộ hồ sơ công chứng của PCC cũ;
- Bảo đảm chế độ, chính sách theo quy định pháp luật cho công chứng viên, viên chức, người lao động sau khi PCC chấm dứt hoạt động;
- Văn phòng công chứng mới phải ký hợp đồng lao động với công chứng viên, viên chức, người lao động của PCC cũ;
- Tài sản Nhà nước do PCC quản lý đảm bảo được xử lý theo đúng quy định, không bị thất thoát trong khi chuyển đổi.
Ngoài ra, người đang tham gia đào tạo nghề công chứng 6 tháng theo Luật cũ sẽ tiếp tục thực hiện và được công nhận hoàn thành việc tham gia đào tạo nghề công chứng.
Điều kiện mới về Trưởng văn phòng công chứng không áp dụng với người đang là Trưởng văn phòng của Văn phòng công chứng được thành lập trước ngày 01/01/2015.
2. Nghị định 28/2015/NĐ-CP : Hướng dẫn mới về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)
Sau đây là một số nội dung đáng chú ý của Nghị định này:
Người lao động (NLĐ) đã giao kết hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 đến dưới 12 tháng trước ngày 01/01/2015 và đang thực hiện hợp đồng này nếu thời hạn kết thúc hợp đồng còn ít nhất 03 tháng thì người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải tham gia BHTN cho NLĐ.
Trường hợp NLĐ giao kết nhiều hợp đồng lao động và đang tham gia BHTN theo hợp đồng có hiệu lực đầu tiên mà khi chấm dứt hoặc thay đổi hợp đồng dẫn đến NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHTN thì:
NLĐ và NSDLĐ thuộc đối tượng tham gia BHTN của hợp đồng giao kết có hiệu lực kế tiếp có trách nhiệm tham gia BHTN theo quy định.
Cũng theo Nghị định, trường hợp NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH, NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết thì NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHTN.
Các chế độ quy định tại Nghị định này được thực hiện từ ngày 01/01/2015.
3. Nghị định 26/2015/NĐ-CP : Chế độ cho cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm
Cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm được nghỉ để chờ đủ tuổi để nghỉ hưu sẽ được hưởng các chế độ sau:
- Được hưởng nguyên mức lương chức vụ hoặc theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, mức chênh lệch bảo lưu lương, phụ cấp công tác đảng (nếu có).
- Căn cứ vào mức lương, các khoản phụ cấp và mức chênh lệch bảo lưu lương (nếu có) được hưởng, cán bộ và cơ quan sẽ thực hiện đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Các chế độ khác như chế độ phục vụ, chế độ điện thoại (nếu có) thôi hưởng kể từ tháng liền kề sau tháng có quyết định nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu.
Ngoài ra chế độ đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm tiếp tục công tác cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu và cán bộ nghỉ hưu trước tuổi cũng được quy định trong Nghị định này.
4. Nghị định 24/2015/NĐ-CP : Quy định nhân lực của cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thủy
Các cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi các loại phương tiện thủy nội địa nêu sau phải đáp ứng yêu cầu về cán bộ kỹ thuật và bộ phận kiểm tra chất lượng. Cụ thể:
- Phương tiện có sức chở đến 12 người: phải có tối thiểu 01 công nhân chuyên ngành đóng tàu thủy.
Nếu đóng loại phương tiện này bằng gỗ theo kinh nghiệm cổ truyền phải có tối thiểu 01 thợ lành nghề.
- Phương tiện có sức chở từ 13 đến dưới 50 người: mỗi bộ phận phải có tối thiểu 01 cán bộ có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng nghề chuyên ngành đóng tàu thủy và 01 cán bộ có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng nghề chuyên ngành máy tàu thủy.
- Phương tiện có sức chở từ 50 người trở lên: phải có bộ phận kỹ thuật và bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm, mỗi bộ phận phải có tối thiểu 01 kỹ sư chuyên ngành đóng tàu thủy và 01 kỹ sư chuyên ngành máy tàu thủy.
Nghị định này thay thế Nghị định 21/2005/NĐ-CP .