Thủ tục hành chính online 06/11/2024 07:31 AM

Chưa làm căn cước thì có xem được căn cước điện tử không?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
06/11/2024 07:31 AM

Chưa làm căn cước thì có xem được căn cước điện tử không? Căn cước điện tử có giá trị sử dụng như thế nào?

Chưa làm căn cước thì có xem được căn cước điện tử không?

Chưa làm căn cước thì có xem được căn cước điện tử không? (Hình từ internet)

1. Chưa làm căn cước thì có xem được căn cước điện tử không?

Căn cước điện tử là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID.

Mỗi công dân Việt Nam được cấp một căn cước điện tử.

Chỉ cần công dân có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 thì ứng dụng VNeID sẽ tự động hiển thị căn cước điện tử. Để đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 thì công dân có thể đăng ký tại công an cấp xã, công an cấp huyện (tùy địa phương) hoặc được đăng ký cùng lúc khi làm CCCD gắn chíp, căn cước.

Do đó, nếu chưa làm căn cước thì vẫn có thể xem được căn cước điện tử với một vài thao tác đơn giản như sau:

- Sau khi đăng nhập vào VNeID thì chọn Thẻ căn cước/CCCD

- Sau đó nhập passcode hoặc quét FaceID, vân tay nếu trước đó đã có cài đặt.

- Cuối cùng chọn vào căn cước điện tử để xem thông tin.

2. Căn cước điện tử chứa những thông tin gì?

Điều 31 Luật Căn cước 2023 quy định căn cước điện tử có danh tính điện tử và các thông tin sau đây:

- Nơi sinh.

- Nơi đăng ký khai sinh.

- Quê quán.

- Dân tộc.

- Tôn giáo.

- Quốc tịch.

- Nhóm máu.

- Số chứng minh nhân dân 09 số.

- Ngày, tháng, năm cấp, nơi cấp, thời hạn sử dụng của thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân 12 số đã được cấp.

- Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân,số chứng minh nhân dân 09 số, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, con, người đại diện hợp pháp, người được đại diện.

- Nơi thường trú.

- Nơi tạm trú.

- Nơi ở hiện tại.

- Số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử.

- Thông tin nhân dạng.

- Nghề nghiệp, trừ lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu.

- Thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định (trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp) được tích hợp theo đề nghị của công dân và phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

3. Giá trị sử dụng của căn cước điện tử

- Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử của người được cấp căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

- Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, thực hiện các giao dịch và hoạt động khác, nếu phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin in trên thẻ căn cước hoặc thông tin lưu trữ trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong căn cước điện tử.

(Điều 33 Luật Căn cước 2023)

4. Trường hợp bị khóa căn cước điện tử

Căn cước điện tử bị khóa trong các trường hợp sau đây:

- Khi người được cấp căn cước điện tử yêu cầu khóa;

- Khi người được cấp căn cước điện tử vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia;

- Khi người được cấp căn cước điện tử bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước;

- Khi người được cấp căn cước điện tử chết;

- Khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.

(Khoản 1 Điều 34 Luật Căn cước 2023)

>>> Xem thêm:  Các loại thông tin, giấy tờ được tích hợp vào thẻ căn cước điện tử theo quy đinh của pháp luật là gì?

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 131

Bài viết về

Định danh điện tử/VNeID

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]