10 điểm mới về Thẻ căn cước khi chính thức thông qua Luật Căn cước mới mà người dân cần lưu ý?
10 điểm mới về Thẻ căn cước khi chính thức thông qua Luật Căn cước mới mà người dẫn cần lưu ý?
Sáng ngày 27/11, Quốc hội đã chính thức qua Luật Căn cước với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Theo đó, Luật gồm 7 chương, 46 điều. Dưới đây là 10 điểm mới về Thẻ căn cước khi chính thức thông qua Luật Căn cước:
(1) Chính thức đổi tên Căn cước công dân sang thẻ Căn cước.
Theo đó, tại khoản 1 và khoản 9 Điều 3 Luật Căn cước định nghĩa như sau:
...
1. Căn cước là thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng và sinh trắc học của một người.
...
9. Thẻ Căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này.
Theo đó, căn cước là giấy tờ tùy thân chứa các thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng và sinh trắc học của một người gồm:
- Ảnh khuôn mặt;
- Số định danh cá nhân;
- Họ, chữ đệm và tên khai sinh;
- Ngày, tháng, năm sinh;
- Giới tính;
- Nơi đăng ký khai sinh/Nơi sinh;
- Quốc tịch;
- Nơi cư trú;
- Ngày, tháng, năm cấp thẻ và ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng.
(2) Luật mới thì có phải đổi thẻ CCCD sang thẻ Căn cước không?
Tại Điều 46 Dự thảo Luật Căn cước được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV nêu rõ:
Thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ, được cấp đổi sang thẻ Căn cước khi công dân có yêu cầu.
Theo đó, Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 và thay thế cho Luật Căn cước công dân 2014. Đồng nghĩa:
- Người dân đang có thẻ Căn cước công dân cấp trước ngày 01/7/2024 không phải đổi sang thẻ Căn cước mà được sử dụng cho đến hết thời hạn ghi trong thẻ.
- Người dân đang có thẻ Căn cước công dân nếu muốn đổi sang thẻ Căn cước mới thì sẽ được thực hiện thay đổi.
(3) Khai tử Chứng minh nhân dân từ 01/01/2025
Tại Kỳ họp Quốc hội thứ 6 khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu về quy định chuyển tiếp (Điều 46).
Theo đó, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung quy định về chuyển tiếp đối với căn cước công dân và chứng minh nhân dân tại khoản 3 Điều 46 như sau: “Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15 tháng 01 năm 2024 đến trước ngày 30 tháng 6 năm 2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024.”;
Theo đó, bổ sung khoản 2 Điều 45 quy định về hiệu lực thi hành như sau: “Quy định tại khoản 3 Điều 46 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 01 năm 2024”; đồng thời chỉnh lý một số nội dung của Điều 45 và Điều 46 bảo đảm cụ thể, rõ ràng và phù hợp với thực tế.
Còn đối với Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.
Theo đó, đối với các Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6 /2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024. Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.
Như vậy, từ 01/01/2025 sẽ chính thức khai tử Chứng minh nhân dân.
(4) Bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ Căn cước
Luật Căn cước vừa được thông qua đã nêu rõ các trường thông tin thay đổi thể hiện trên thẻ căn cước. Trong đó có ảnh khuôn mặt; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch; nơi cư trú; ngày cấp thẻ và hạn sử dụng.
Như vậy so với Luật Căn cước công dân 2014, trường thông tin về quê quán, vân tay đã được lược bỏ, không cần thể hiện trên thẻ căn cước. Thay vào đó, quê quán của công dân sẽ được tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
(5) Cấp thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi từ 01/7/2024
Hiện nay chỉ cấp thẻ CCCD cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên. Tuy nhiên, từ 01/7/2024, khi Luật Căn cước có hiệu lực thì người được cấp thẻ Căn cước là:
- Công dân Việt Nam.
- Độ tuổi: Từ đủ 14 tuổi trở lên bắt buộc phải làm thủ tục cấp thẻ Căn cước; công dân dưới 14 tuổi nếu có nhu cầu thì thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước.
Như vậy, theo quy định mới, người dưới 14 tuổi từ ngày 01/7/2024 có thể được cấp thẻ Căn cước nếu có nhu cầu.
(6) Bổ sung quy định về Giấy chứng nhận căn cước
Đây là điểm mới hoàn toàn so với quy định cũ tại Luật Căn cước công dân. Theo đó tại khoản 10 Điều 3 Dự thảo Luật Căn cước đã được Quốc hội thông qua như sau:
10. Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này.
Như vậy, các quy định về loại giấy này như sau:
- Đối tượng cấp: Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại cấp xã, cấp huyện (nếu không có đơn vị hành chính cấp xã) từ 06 tháng trở lên.
- Nội dung thể hiện: Quốc huy; các dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; Chứng nhận Căn cước”; họ, chữ đệm, tên; số định danh cá nhân; ảnh khuôn mặt, vân tay; ngày tháng năm sinh; giới tính; nơi sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; tình trạng hôn nhân; nơi ở hiện tại; ngày tháng năm cấp, cơ quan cấp; thời hạn sử dụng 01 năm; họ tên chữ đệm quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, người đại diện hợp pháp, người giám hộ, người được giám hộ (nếu có).
- Thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi: Giám độc công an cấp tỉnh.
- Giá trị sử dụng: Chứng minh về căn cước đề thực hiện giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam, trong thời hạn 01 năm.
(7) Căn cước điện tử
Một trong những nội dung đáng chú ý khác của điểm mới Luật Căn cước là bổ sung Căn cước điện tử. Theo đó, Điều 31 Dự thảo Luật Căn cước mới thông qua nêu rõ, mỗi công dân sẽ chỉ có 01 Căn cước điện tử.
Đây là Căn cước được thể hiện qua tài khoản định danh điện tử.
Sau khi đã có Căn cước điện tử, công dân có thể thực hiện tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước thông qua việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước hoặc ứng dụng VNeID.
(8) Thêm trường hợp phải đổi thẻ Căn cước
Căn cứ tại Điều 24 Dự thảo Luật Căn cước, các trường hợp cấp đổi, cấp lại, bị thu hồi thẻ Căn cước như sau:
- Trường hợp thẻ Căn cước phải cấp đổi:
+ Đến độ tuổi phải cấp đổi thẻ Căn cước theo khoản 1 Điều 21 Dự thảo Luật Căn cước: Khi công dân đủ 14 tuổi, đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
+ Thay đổi thông tin họ, chữ đệm, tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh.
+ Khi thay đổi nhân dạng, xác định lại giới tính/chuyển đổi giới tính.
+ Có sai sót trên thẻ Căn cước về các thông tin trên thẻ này.
+ Khi thay đổi địa giới hành chính, đơn vị hành chính.
+ Xác lập lại số định danh cá nhân.
+ Khi có yêu cầu của người được cấp thẻ Căn cước
- Trường hợp được cấp lại thẻ: Khi chưa đến tuổi phải đổi thẻ Căn cước thì sẽ được cấp lại thẻ Căn cước trong các trường hợp sau:
+ Bị mất thẻ.
+ Bị hư hỏng thẻ đến mức độ không thể sử dụng được nữa.
+ Công dân được trở lại quốc tịch Việt Nam.
Lưu ý: Trường hợp này có thể làm online trên cổng dịch vụ công hoặc đén trực tiếp nơi cấp thẻ để thực hiện. Thông tin được sử dụng là thông tin trên thẻ Căn cước đã được cấp gần nhất.
(9) Rút ngắn thời gian cấp lại thẻ Căn cước
Theo Điều 26 Dự thảo Luật Căn cước vừa được Quốc hội thông qua, thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước là 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Theo quy định cũ tại Đều 25 Luật Căn cước công dân 2014, thời hạn được quy định tương ứng các trường hợp sau:
- Tại thành phố, thị xã:
+ Cấp mới và cấp đổi: Không quá 07 ngày.
+ Cấp lại: Không quá 15 ngày làm việc.
- Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo: Thời gian thực hiện là không quá 20 ngày áp dụng cho tất cả các trường hợp.
- Tại các khu vực còn lại: Không quá 15 ngày cho tất cả các trường hợp.
(10) Thẻ căn cước bảo mật cao, không ai có thể truy cập để lấy thông tin trong thẻ
Về cấp, quản lý căn cước điện tử (Chương IV), theo UBTVQH, thẻ căn cước hiện nay được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo mật cao, bảo đảm chống lại việc làm giả thẻ.
Trong chip điện tử trên thẻ căn cước có công nghệ xác thực thông qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ.
Theo đó, khi một người sử dụng thiết bị đọc thông tin lưu trữ trong chip điện tử phải được sự đồng ý của chủ thẻ thông qua phương thức xác thực vân tay, khuôn mặt để được quyền truy cập vào ứng dụng đọc, truy xuất dữ liệu, nếu không có thao tác này thì không ai có thể truy cập để lấy thông tin trong thẻ căn cước.
Theo phát biểu của Chủ nhiệm UBQPAN thì để khai thác được các thông tin trong chip điện tử phải sử dụng thiết bị chuyên dụng và các thiết bị này phải được Bộ Công an cung cấp mã bảo mật để xác thực, bảo đảm an ninh, an toàn bảo mật thông tin. Trường hợp các cơ quan nhà nước khác cung cấp thiết bị chuyên dụng để đọc thông tin trong thẻ căn cước thì các thiết bị này đều phải được cơ quan chuyên môn của Bộ Công an kiểm tra và cung cấp mã bảo mật.
Xem thêm: Đã có file 7 Luật mới thông qua tại Kỳ họp Quốc hội thứ 6 Khóa XV
10 điểm mới về Thẻ căn cước khi chính thức thông qua Luật Căn cước mới mà người dân cần lưu ý?
Khi nào Luật Căn cước mới chính thức áp dụng?
Sáng ngày 27/11, với 431/468 (87,25%) đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật Căn cước.
Luật gồm 7 chương 46 điều quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Luật này áp dụng đối với công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Luật Căn cước sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.
Đổi tên thẻ căn cước có làm phát sinh chi phí đổi thẻ không?
Theo thông tin từ Cổng TTĐT Chính phủ, thẻ căn cước được thiết kế tuân thủ theo tiêu chuẩn chung của ICAO về tổ chức lưu trữ, khai thác thông tin trên chíp điện tử; thẻ có tính bảo mật cao, tiến tới thuận lợi cho người dân trong việc bảo quản, sử dụng trên trường quốc tế.
Nếu để tên thẻ là thẻ “căn cước công dân” thì chưa bảo đảm tương đồng về tên thẻ với thông lệ chung của thế giới; do vậy, có thể không sử dụng được thẻ khi hội nhập quốc tế nếu tiếp tục giữ tên thẻ.
Cũng theo Bộ Công an, việc đổi tên thẻ không phát sinh thủ tục, không phát sinh chi phí đổi thẻ với người dân hoặc chi ngân sách nhà nước vì tại Điều 46 dự thảo Luật đã có quy định chuyển tiếp: Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật; Thẻ căn cước công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị như thẻ căn cước được quy định tại Luật này.
Nguồn: Cổng TTĐT Chính phủ
Nguyễn Trần Hoàng Quyên
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Thẻ căn cước có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Luật ngân sách nhà nước mới nhất? Có những văn bản nào hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước mới nhất?
- Mua trả chậm là gì? Nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua trả chậm được quy định thế nào theo pháp luật hiện nay?
- Bài tuyên truyền Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18 11? Bài tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 2024?
- Trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 2030 theo Công văn 9743 như thế nào?
- Khẩu hiệu chào mừng ngày 20 11 ngắn gọn? Khẩu hiệu chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 2024 ý nghĩa?