Bản án sơ thẩm hình sự không bị kháng cáo, kháng nghị thì được thi hành kể từ khi nào? Ai là người có thẩm quyền ra quyết định thi hành án?
Bản án hình sự sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị thì được thi hành kể từ khi nào?
Căn cứ theo Điều 343 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về hiệu lực của bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không có kháng cáo, kháng nghị như sau:
"Điều 343. Hiệu lực của bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không có kháng cáo, kháng nghị
Bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị."
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 364 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thẩm quyền và thủ tục ra quyết định thi hành án thì thời hạn để ra quyết định thi hành án là 07 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm.
Từ những quy định nêu trên, những bản án và những phần của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị thì sẽ có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Như vậy, trong vòng 07 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực (tức ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị bản án) thì người có thẩm quyền sẽ ra quyết định thi hành án.
Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị được thi hành từ khi nào? (Hình từ Internet)
Ai là người có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hình sự theo quy định hiện nay?
Căn cứ theo Điều 364 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thẩm quyền và thủ tục ra quyết định thi hành án cụ thể như sau:
"Điều 364. Thẩm quyền và thủ tục ra quyết định thi hành án
1. Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác cho Chánh án Tòa án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án.
2. Thời hạn ra quyết định thi hành án là 07 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác thi hành của Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm thì Chánh án Tòa án được ủy thác phải ra quyết định thi hành án.
3. Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại thì quyết định thi hành án phạt tù phải ghi rõ trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, người đó phải có mặt tại cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để thi hành án.
Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại mà bỏ trốn thì Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án yêu cầu cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi người bị kết án phạt tù đang tại ngoại ra quyết định truy nã."
Như vậy, người có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hình sự là Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Chánh án Tòa án khác cùng cấp (trong trường hợp được Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm ủy thác cho).
Khi thi hành án hình sự cần đảm bảo tuân thủ những nguyên tắc nào?
Tại Điều 4 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về những nguyên tắc thi hành án hình sự cụ thể như sau:
"Điều 4. Nguyên tắc thi hành án hình sự
1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
3. Bảo đảm nhân đạo xã hội chủ nghĩa; tôn trọng danh dự, nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án, người chấp hành biện pháp tư pháp, quyền, lợi ích hợp pháp của pháp nhân thương mại chấp hành án.
4. Kết hợp trừng trị và giáo dục cải tạo trong việc thi hành án; áp dụng biện pháp giáo dục cải tạo phải trên cơ sở tính chất, mức độ phạm tội, độ tuổi, sức khỏe, giới tính, trình độ học vấn và các đặc điểm nhân thân khác của người chấp hành án.
5. Thi hành án đối với người dưới 18 tuổi chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành người có ích cho xã hội.
6. Khuyến khích người chấp hành án ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo, tự nguyện bồi thường thiệt hại.
7. Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo hành vi, quyết định trái pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự.
8. Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong hoạt động thi hành án hình sự, tái hòa nhập cộng đồng theo quy định của pháp luật."
Trên đây là một số thông tin liên quan đến việc thi hành án đối với những bản án không có kháng cáo, kháng nghị mà chúng tôi cung cấp gửi đến bạn. Trân trọng!
Đinh Thị Ngọc Huyền
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Thi hành án có thể đặt câu hỏi tại đây.
- 03 cấp đào tạo lý luận chính trị theo quy định? Trung tâm chính trị cấp huyện đào tạo cấp lý luận chính trị nào?
- Mẫu Đơn đề nghị tách hội mới nhất? Hướng dẫn lập đơn đề nghị tách hội? Tải về mẫu đơn đề nghị tách hội ở đâu?
- Tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu cho phép đối với các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc theo Thông tư 38/2024 thế nào?
- Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có tư cách pháp nhân không? Nguồn thu hoạt động sự nghiệp của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai?
- Có được phép chuyển đổi công năng nhà ở từ nhà ở phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội hay không?