Biệt phái công chức có phải là một hình thức xử lý kỷ luật? Công chức giữ chức vụ lãnh đạo được cử đi biệt phái có được bảo lưu phụ cấp chức vụ?
Biệt phái công chức có phải là một hình thức xử lý kỷ luật không?
Căn cứ vào khoản 12 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức 2008 thì biệt phái là việc công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị này được cử đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ.
Căn cứ theo quy định tại Điều 79 Luật Cán bộ, công chức 2008 được sửa đổi bởi khoản 15 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 về các hình thức xử lý kỷ luật công chức như như sau:
Các hình thức kỷ luật đối với công chức
1. Công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Hạ bậc lương;
d) Giáng chức;
đ) Cách chức;
e) Buộc thôi việc.
2. Hình thức giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; hình thức hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
3. Công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì biệt phái công chức không phải là một hình thức xử lý kỷ luật.
Biệt phái công chức có phải là một hình thức xử lý kỷ luật? Công chức giữ chức vụ lãnh đạo được cử đi biệt phái có được bảo lưu phụ cấp chức vụ? (Hình từ Internet)
Công chức giữ chức vụ lãnh đạo được cử đi biệt phái có được bảo lưu phụ cấp chức vụ? Chế độ đối với công chức biệt phái?
Căn cứ theo quy định tại Điều 28 Nghị định 138/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi điểm b khoản 46 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP và khoản 17 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP như sau:
Chế độ, chính sách đối với công chức được điều động, biệt phái
1. Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được điều động đến vị trí công tác khác mà phụ cấp chức vụ mới thấp hơn phụ cấp chức vụ hiện đang đảm nhiệm thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ trong thời gian 06 tháng.
2. Cơ quan, tổ chức cử công chức biệt phái có trách nhiệm trả lương và bảo đảm các quyền lợi khác của công chức trong thời gian được cử biệt phái; bố trí công việc phù hợp cho công chức khi hết thời gian biệt phái. Trường hợp cơ quan, tổ chức nơi được cử đến biệt phái có chế độ, chính sách đặc thù thì ngoài lương và các quyền lợi khác do cơ quan, tổ chức cử công chức biệt phái chi trả, công chức còn được hưởng các chế độ, chính sách đặc thù do cơ quan, tổ chức nơi được cử đến biệt phái chi trả.
3. Trường hợp công chức được biệt phái đến làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được cử đi biệt phái không thuộc đối tượng được bảo lưu phụ cấp chức vụ.
Thay vào đó, công chức biệt phái được hưởng các chế độ, chính sách sau đây:
- Được trả lương và bảo đảm các quyền lợi khác của công chức trong thời gian được cử biệt phái;
- Được bố trí công việc phù hợp khi hết thời gian biệt phái.
Trường hợp cơ quan, tổ chức nơi được cử đến biệt phái có chế độ, chính sách đặc thù thì ngoài lương và các quyền lợi khác do cơ quan, tổ chức cử công chức biệt phái chi trả, công chức còn được hưởng các chế độ, chính sách đặc thù do cơ quan, tổ chức nơi được cử đến biệt phái chi trả.
- Được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật khi công chức được biệt phái đến làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Thời gian biệt phái công chức là bao lâu theo quy định?
Căn cứ vào khoản 2 Điều 27 Nghị định 138/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm a khoản 16 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP có quy định như sau:
Biệt phái công chức
1. Biệt phái công chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Theo nhiệm vụ đột xuất, cấp bách;
b) Để thực hiện công việc cần giải quyết trong một thời gian nhất định.
2. Thời gian biệt phái công chức không quá 03 năm, trừ trường hợp thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Khi hết thời gian biệt phái thì cơ quan, tổ chức cử công chức biệt phái phải xem xét, quyết định việc kết thúc hoặc gia hạn thời gian biệt phái đối với công chức.
3. Công chức được cử biệt phái chịu sự phân công, bố trí, đánh giá, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức nơi được cử đến biệt phái, nhưng vẫn thuộc biên chế của cơ quan, tổ chức cử biệt phái, kể cả trường hợp công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được biệt phái đến giữ vị trí lãnh đạo, quản lý tương đương với chức vụ hiện đang đảm nhiệm.
...
Theo đó, thời gian biệt phái công chức không quá 03 năm, trừ trường hợp thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Khi hết thời gian biệt phái thì cơ quan, tổ chức cử công chức biệt phái phải xem xét, quyết định việc kết thúc hoặc gia hạn thời gian biệt phái đối với công chức.
Trịnh Lê Vy
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Biệt phái công chức có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Biểu thuế nhập khẩu theo Danh mục mặt hàng chịu thuế được sửa đổi bởi Nghị định 144/2024 áp dụng từ 16 12 thế nào?
- Ngân hàng nhà nước khi có nhu cầu gia công vàng miếng SJC có phải gửi văn bản yêu cầu gia công không?
- Năm ngân sách kết thúc vào ngày nào? Khi kết thúc năm ngân sách, ngân sách cấp trên hỗ trợ ngân sách địa phương trong trường hợp nào?
- Mẫu quy chế văn hóa doanh nghiệp? Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam là ngày mấy? Mục đích tổ chức Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam?
- Giá điện năng thị trường là gì? Giá thị trường áp dụng cho đơn vị phát điện trực tiếp giao dịch quy định như thế nào?