Bộ máy Nhà nước Việt Nam gồm những cơ quan nào? Người đứng đầu các cơ quan trong bộ máy Nhà nước Việt Nam hiện nay là ai?
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Hiến pháp như thế nào?
Quy định tại Điều 2 Hiến pháp 2013 khẳng định Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Bộ máy Nhà nước Việt Nam theo Hiến pháp gồm những cơ quan nào? Người đứng đầu các cơ quan trong bộ máy Nhà nước Việt Nam hiện nay là ai? (Hình từ internet)
Bộ máy Nhà nước Việt Nam theo Hiến pháp gồm những cơ quan nào?
Bộ máy nhà nước là tổng thể các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương, được tổ chức, hoạt động theo những nguyên tắc thống nhất, tạo thành cơ chế đồng bộ nhằm thực hiện nhiệm vụ, chức năng của nhà nước.
Trong đó, Cơ quan nhà nước là bộ phận cấu thành của Bộ máy nhà nước, đây là tổ chức (hoặc cá nhân) mang quyền lực nhà nước được thành lập và có thẩm quyền theo quy định của pháp luật với mục đích nhằm thực hiện nhiệm vụ và chức năng của nhà nước.
Bộ máy Nhà nước Việt Nam theo Hiến pháp bao gồm: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Chính quyền địa phương.
Quốc hội:
Trong bộ máy Nhà nước Việt Nam, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Chính phủ
Trong bộ máy Nhà nước Việt Nam, Chính phủ là cơ quan hành pháp. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.
Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ do Quốc hội quyết định.
Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số.
Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao; báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ giúp Thủ tướng Chính phủ làm nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ được phân công. Khi Thủ tướng Chính phủ vắng mặt, một Phó Thủ tướng Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ ủy nhiệm thay mặt Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo công tác của Chính phủ.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, cùng các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ.
Tòa án nhân dân
Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định.
Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Viện kiểm sát nhân dân
Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Viện kiểm sát nhân dân gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát khác do luật định.
Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Chính quyền địa phương
Trong bộ máy Nhà nước Việt Nam còn có chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các cấp đơn vị hành chính bao gồm: Cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
Hiện nay, Việt Nam có 05 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và 58 tỉnh.
Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định.
- Hội đồng nhân dân
Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.
Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.
- Ủy ban nhân dân
Ủy ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.
Ủy ban nhân dân tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân và thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao.
Người đứng đầu các cơ quan trong bộ máy Nhà nước Việt Nam hiện nay là ai?
Theo quy định của Hiến pháp 2013, người đứng đầu các cơ quan trong bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay gồm:
Quốc hội:
Quốc hội hiện nay là Quốc hội Việt Nam khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026) với 499 đại biểu.
Chủ tịch Quốc hội là ông Vương Đình Huệ. Tuy nhiên, ngày 26/04, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với ông Vương Đình Huệ.
Ngày 20/05/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu đồng chí Trần Thanh Mẫn giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Chủ tịch nước: quy định tại Điều 86 Hiến pháp 2013
Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch nước.
Tại Nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch nước là ông Nguyễn Xuân Phúc. Tuy nhiên, Ngày 17/01/2023, Quốc hội đã miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Sáng 2/3/2023, Quốc hội đã thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch nước đối với ông Võ Văn Thưởng.
Ngày 20/3/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về việc cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với đồng chí Võ Văn Thưởng.
Ngày 21/03/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông báo bà Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước.
Ngày 22/5/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết bầu Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an giữ chức Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ngày 21/10/2024, Quốc hội bầu đồng chí Lương Cường giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhiệm kỳ 2021-2026.
Chính phủ: được quy định tại Điều 95 Hiến pháp 2013
Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao; báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Thủ tướng Chính phủ hiện nay là ông Phạm Minh Chính.
Tòa án nhân dân:
Nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án khác do luật định.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là ông Lê Minh Trí.
Viện kiểm sát nhân dân:
Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Viện kiểm sát nhân dân gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát khác do luật định.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hiện nay là ông Nguyễn Huy Tiến.
Xem thêm:
Nguyễn Trần Hoàng Quyên
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Cơ quan nhà nước có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quy trình chuyển đổi vàng miếng khác thành vàng miếng SJC của doanh nghiệp mua bán vàng miếng như thế nào?
- Lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo nhà chung cư thông qua tổ chức đấu thầu được thực hiện trong trường hợp nào?
- Đất công trình thủy lợi thuộc nhóm đất nào? Được sử dụng để làm gì? Ai có trách nhiệm quản lý công trình thủy lợi?
- Lưu ý khi điền xếp loại kết quả đánh giá trong mẫu phiếu tự đánh giá của giáo viên mầm non mới nhất?
- Phụ lục đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thiết bị y tế thực hiện kê khai giá mới nhất? Tải về ở đâu?