Cá nhân chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng đơn vị hành chính cấp nào?
- Cá nhân chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng đơn vị hành chính cấp nào?
- Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp theo phương án nào nhằm mục đích tăng diện tích đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất?
- Hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp chỉ cần công chứng, chứng thực khi nào?
Cá nhân chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng đơn vị hành chính cấp nào?
>> Mới nhất Tải Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành
Căn cứ Điều 47 Luật Đất đai 2024 như sau:
Điều kiện chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp
Cá nhân sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao đất, do chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác thì chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng đơn vị hành chính cấp tỉnh cho cá nhân khác và không phải nộp thuế thu nhập từ việc chuyển đổi quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ.
Như vậy, theo quy định thì cá nhân chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng đơn vị hành chính cấp tỉnh cho cá nhân khác và sẽ không phải nộp thuế thu nhập từ việc chuyển đổi quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ.
Ngoài ra, khi cá nhân chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp cần phải đáp ứng đủ các điều kiện tại khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024 gồm:
(1) Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Trừ trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư và trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 124 Luật Đất đai 2024 và điểm a khoản 4 Điều 127 Luật Đất đai 2024;
(2) Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;
(3) Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;
(4) Trong thời hạn sử dụng đất;
(5) Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.
Cá nhân chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng đơn vị hành chính cấp nào? (Hình từ Internet)
Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp theo phương án nào nhằm mục đích tăng diện tích đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất?
Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 192 Luật Đất đai 2024 quy định về tập trung đất nông nghiệp như sau:
Tập trung đất nông nghiệp
1. Tập trung đất nông nghiệp là việc tăng diện tích đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất thông qua các phương thức sau đây:
a) Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp theo phương án dồn điền, đổi thửa;
b) Thuê quyền sử dụng đất;
c) Hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất.
2. Việc tập trung đất nông nghiệp phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
a) Bảo đảm công khai, minh bạch, tự nguyện, dân chủ, công bằng;
b) Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người sử dụng đất và của tổ chức, cá nhân có liên quan; không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh;
c) Tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
d) Phù hợp với đặc điểm về đất đai, địa hình, khí hậu, văn hóa, quá trình chuyển dịch lao động, chuyển đổi nghề, việc làm ở nông thôn của từng vùng, từng khu vực, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu của thị trường.
...
Như vậy, việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp theo phương án dồn điền, đổi thửa sẽ giúp tăng diện tích đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất.
Hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp chỉ cần công chứng, chứng thực khi nào?
Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024 như sau:
Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất
...
3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;
c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;
d) Việc công chứng, chứng thực thực hiện theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.
Như vậy, không bắt buộc các bên khi chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp phải công chứng, chứng thực hợp đồng mà các bên chỉ cần công chứng, chứng thực khi thấy cần thiết.
Nguyễn Bình An
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Chuyển đổi quyền sử dụng đất có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quyết định trưng dụng đất có được ủy quyền không? Cơ quan nào sẽ quyết định bồi thường thiệt hại do trưng dụng đất gây ra?
- Thời hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản chậm nhất là bao nhiêu ngày theo quy định pháp luật?
- Hướng dẫn thủ tục đổi bằng lái xe nước ngoài sang Việt Nam mới nhất? Điều kiện để người nước ngoài được đổi sang bằng lái xe Việt Nam là gì?
- Người được giáo dục có phải gửi bản cam kết về việc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục không?
- Hộ gia đình bị thu hồi đất và phải phá dỡ nhà ở có được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội không?