Cá nhân được xét miễn nghĩa vụ thi hành án dân sự đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước dưới 2 triệu?
- Cá nhân được xét miễn nghĩa vụ thi hành án dân sự đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước dưới 2 triệu đúng không?
- Ai có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị Tòa án xem xét miễn nghĩa vụ thi hành án dân sự đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước?
- Cơ quan nào có quyền xét miễn nghĩa vụ thi hành án dân sự đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước?
Cá nhân được xét miễn nghĩa vụ thi hành án dân sự đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước dưới 2 triệu đúng không?
Điều kiện miễn nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước được quy định tại khoản 1 Điều 61 Luật Thi hành án dân sự 2008, được sửa đổi bởi khoản 25 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 như sau:
Điều kiện miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước
1. Người phải thi hành án được xét miễn nghĩa vụ thi hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng;
b) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị dưới 2.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.
....
Theo đó, cá nhân được xét miễn nghĩa vụ thi hành án dân sự đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước dưới 2 triệu chỉ khi đáp ứng đủ những điều kiện sau:
(1) Không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng.
(2) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước.
Miễn nghĩa vụ thi hành án dân sự (Hình từ Internet)
Ai có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị Tòa án xem xét miễn nghĩa vụ thi hành án dân sự đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước?
Trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị Tòa án xem xét miễn nghĩa vụ thi hành án dân sự đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước được quy định tại Điều 62 Luật Thi hành án dân sự 2008 như sau:
Hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước
Cơ quan thi hành án dân sự lập hồ sơ đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án. Hồ sơ bao gồm các tài liệu sau đây:
1. Văn bản đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoặc của Viện trưởng Viện kiểm sát trong trường hợp đề nghị xét miễn, giảm khoản tiền phạt;
2. Bản án, quyết định của Toà án, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự;
3. Biên bản xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án được thực hiện trong thời hạn không quá 03 tháng trước khi đề nghị xét miễn, giảm;
4. Tài liệu khác chứng minh điều kiện được xét miễn, giảm ng,hĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án, nếu có;
5. Ý kiến bằng văn bản của Viện kiểm sát cùng cấp trong trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.
Theo quy định trên, cơ quan thi hành án dân sự sẽ có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét miễn nghĩa vụ thi hành án dân sự.
Cơ quan nào có quyền xét miễn nghĩa vụ thi hành án dân sự đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước?
Quyền xét miễn nghĩa vụ thi hành án dân sự đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước thuộc về cơ quan quy định tại Điều 63 Luật Thi hành án dân sự 2008, khoản 48 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 như sau:
Thẩm quyền, thủ tục xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước
1. Việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Toà án quân sự khu vực (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương) nơi cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức việc thi hành án có trụ sở.
2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, Toà án phải thụ lý hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc phải mở phiên họp xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.
3. Phiên họp xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án do một Thẩm phán chủ trì, có sự tham dự của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự đã đề nghị xét miễn, giảm.
Khi tiến hành xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, đại diện cơ quan thi hành án dân sự trình bày tóm tắt hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm; đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến về hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm. Trên cơ sở xem xét hồ sơ và ý kiến của đại diện của Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự, Thẩm phán ra quyết định chấp nhận, chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.
4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định về việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, Toà án phải gửi quyết định đó cho người được xét miễn, giảm thi hành án, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, cơ quan thi hành án dân sự đã đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, trại giam, trại tạm giam nơi người được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước đang chấp hành hình phạt tù.
Như vậy, cơ quan có quyền xét miễn nghĩa vụ thi hành án dân sự đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước là Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương nơi cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức việc thi hành án có trụ sở.
Trần Thị Tuyết Vân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Thi hành án dân sự có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Luật ngân sách nhà nước mới nhất? Có những văn bản nào hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước mới nhất?
- Mua trả chậm là gì? Nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua trả chậm được quy định thế nào theo pháp luật hiện nay?
- Bài tuyên truyền Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18 11? Bài tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 2024?
- Trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 2030 theo Công văn 9743 như thế nào?
- Khẩu hiệu chào mừng ngày 20 11 ngắn gọn? Khẩu hiệu chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 2024 ý nghĩa?