Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập? Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính?
Các nhóm hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập?
Căn cứ Chương II và Chương III Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định, có thể chia hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập thành các nhóm sau đây:
Thứ nhất, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán:
Nhóm 1 | Các hành vi vi phạm trong công tác kế toán |
Nhóm 2 | Hành vi vi phạm quy định về thi chứng chỉ kế toán viên và cập nhật kiến thức cho kế toán viên hành nghề, người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán |
Nhóm 3 | Hành vi vi phạm quy định về hành nghề dịch vụ kế toán |
Nhóm 4 | Hành vi vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ kế toán |
Nhóm 5 | Hành vi vi phạm quy định về cung cấp, sử dụng dịch vụ kế toán qua biên giới. |
Nhóm 6 | Hành vi vi phạm quy định về thông báo, báo cáo |
Nhóm 7 | Hành vi vi phạm quy định về kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán |
Thứ hai, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập:
Nhóm 1 | Hành vi vi phạm quy định về thi chứng chỉ và cập nhật kiến thức cho Kiểm toán viên |
Nhóm 2 | Hành vi vi phạm quy định về đăng ký hành nghề kiểm toán |
Nhóm 3 | Hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán và doanh dịch vụ kiểm toán |
Nhóm 4 | Hành vi vi phạm quy định về hoạt động kiểm toán |
Nhóm 5 | Hành vi vi phạm quy định về đơn vị được kiểm toán |
Nhóm 6 | Hành vi vi phạm quy định về kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị có lợi ích công chúng |
Nhóm 7 | Hành vi vi phạm quy định về cung cấp, sử dụng dịch vụ kiểm toán qua biên giới |
Nhóm 8 | Hành vi vi phạm quy định về thông báo và báo cáo |
Nhóm 9 | Hành vi vi phạm quy định về kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán |
Các nhóm hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập? (Hình từ Internet)
Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập?
Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính về kế toán, kiểm toán độc lập.
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định, các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập gồm có:
(1) Hình thức xử phạt chính:
- Cảnh cáo.
Biện pháp cảnh cáo được áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính:
+ Không nghiêm trọng,
+ Có tình tiết giảm nhẹ,
+ Theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo.
Ngoài ra, biện pháp cảnh cáo còn được áp dụng đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện.
- Phạt tiền.
Trong các biện pháp xử phạt hành chính thì phạt tiền là biện áp được áp dụng khá phổ biển do nó tác động đến khả năng kinh tế của đối tượng vi phạm.
Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức.
Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó.
Trường hợp có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu của khung tiền phạt hoặc có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng cũng sẽ không vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.
Lưu ý: Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính thì cá nhân, tổ chức vi phạm chỉ phải chịu một trong hai hình thức xử phạt chính nêu trên. Không được áp dụng đồng thời cả 2 hình phạt.
(2) Hình thức xử phạt bổ sung:
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
- Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán trong thời gian từ 03 tháng đến 06 tháng;
Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán là một trong những điều kiện để kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề.
Khi bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận, kế toán viên, kiểm toán viên sẽ không được tiếp tục hành nghề trong thời gian đó.
- Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, kiểm toán trong thời gian từ 01 tháng đến 12 tháng;
Theo quy định của Luật Kế toán 2015 và Luật Kiểm toán độc lập 2011 thì doanh nghiệp chỉ được kinh doanh dịch vụ kế toán, kiểm toán khi bảo đảm các điều kiện kinh doanh theo quy định và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, kiểm toán.
Do đó, khi bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, kiểm toán thì doanh nghiệp không được tiến hành các hoạt động ghi trong Giấy chứng nhận.
- Đình chỉ việc tổ chức cập nhật kiến thức trong thời gian từ 01 tháng đến 03 tháng;
Cá nhân, tổ chức bị áp dụng hình thức xử phạt này sẽ không được tổ chức cập nhật kiến thức cho kiểm toán viên, kiểm toán viên hành nghề hoặc tổ chức cập nhật kiến thức cho người làm kế toán, kế toán viên hành nghề trong thời gian bị đình chỉ.
- Tịch thu tang vật vi phạm hành chính.
Là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức.
Ai có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập?
Căn cứ Điều 69 Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, gồm:
(1) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập:
- Thanh tra viên tài chính các cấp
- Chánh thanh tra Sở Tài chính
- Chánh thanh tra Bộ Tài chính
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
(2) Công chức, viên chức, sĩ quan công an nhân dân, sĩ quan quân đội nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành có quyền lập biên bản vi phạm hành chính thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao.
Nguyễn Thị Hậu
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Kiểm toán độc lập có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kết chuyển lãi lỗ đầu năm là gì? Tài khoản 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối Thông tư 200 phản ánh nội dung gì?
- Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải công khai thông tin gì cho khách hàng? Có cần xin chấp thuận trước khi sáp nhập hay không?
- Phải nộp hồ sơ đề nghị gia hạn trước khi hết thời hạn sử dụng đất mấy tháng? Thời hạn sử dụng đất đối với đất sử dụng có thời hạn là bao lâu?
- Cập nhật các văn bản pháp luật về xuất nhập khẩu mới nhất? Tải Luật thuế xuất nhập khẩu PDF hiện nay?
- Sự ra đời của Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc? Thời gian tổ chức Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 18 11?