Cách xử lý khi CO form E bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng? Nộp CO form E cho cơ quan hải quan tại thời điểm nào?
CO form E có bao nhiêu bản sao?
CO form E (Giấy chứng nhận xuất xứ form E) hay CO mẫu E là chứng nhận xuất xứ được phát hành theo Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (sau đây gọi là ACFTA).
Căn cứ tại Điều 19 Thông tư 12/2019/TT-BCT về CO form E (Giấy chứng nhận xuất xứ form E) hay CO mẫu E:
C/O mẫu E
1. C/O mẫu E được làm trên giấy trắng, khổ A4 theo tiêu chuẩn ISO, phù hợp với mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. C/O mẫu E gồm 1 bản gốc (Original) và 2 bản sao (Duplicate và Triplicate). C/O mẫu E phải được kê khai bằng tiếng Anh.
2. Trường hợp C/O mẫu E có nhiều trang, các trang tiếp theo sử dụng C/O mẫu E quy định tại khoản 1 Điều này và có cùng chữ ký, con dấu, số tham chiếu như trang đầu tiên.
3. Mỗi C/O mẫu E có một số tham chiếu riêng, được cấp cho một lô hàng và có thể bao gồm một hay nhiều mặt hàng.
4. Bản gốc C/O mẫu E được nhà xuất khẩu gửi cho nhà nhập khẩu để nộp cho cơ quan hải quan tại cảng hoặc nơi nhập khẩu. Bản sao Duplicate do cơ quan, tổ chức cấp C/O của Nước thành viên xuất khẩu lưu. Bản sao Triplicate do nhà xuất khẩu lưu.
5. Trường hợp từ chối C/O mẫu E, cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu đánh dấu vào mục tương ứng tại Ô số 4 trên C/O mẫu E.
6. Trường hợp C/O mẫu E bị từ chối như nêu tại khoản 5 Điều này, cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu có thể chấp nhận và xem xét các giải trình của cơ quan, tổ chức cấp C/O để xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan. Các giải trình của cơ quan, tổ chức cấp C/O phải chi tiết và lý giải được những vấn đề mà Nước thành viên nhập khẩu đưa ra.
Như vậy, CO form E gồm 1 bản gốc (Original) và 2 bản sao (Duplicate và Triplicate).
Trong đó:
- Bản gốc CO form E được nhà xuất khẩu gửi cho nhà nhập khẩu để nộp cho cơ quan hải quan tại cảng hoặc nơi nhập khẩu.
- Bản sao Duplicate do cơ quan, tổ chức cấp CO của Nước thành viên xuất khẩu lưu.
- Bản sao Triplicate do nhà xuất khẩu lưu.
Cách xử lý khi CO form E bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng? Nộp CO form E cho cơ quan hải quan tại thời điểm nào? (Hình từ Internet)
Cách xử lý khi CO form E bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng?
Cách xử lý khi CO form E (Giấy chứng nhận xuất xứ form E) bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng được quy định tại Điều 23 Thông tư 12/2019/TT-BCT, cụ thể như sau:
Trường hợp CO form E bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng, nhà xuất khẩu có thể nộp đơn đề nghị cơ quan, tổ chức cấp CO cấp bản sao chứng thực của bản gốc Original và bản sao Triplicate của CO form E trên cơ sở chứng từ xuất khẩu được lưu tại cơ quan, tổ chức cấp CO.
Bản sao chứng thực này phải mang dòng chữ “CERTIFIED TRUE COPY” tại Ô số 12 và ngày cấp của CO form E bản gốc Original.
Bản sao chứng thực này được cấp trong vòng 1 năm kể từ ngày cấp CO form E bản gốc với điều kiện nhà xuất khẩu cung cấp cho cơ quan, tổ chức cấp CO có liên quan bản sao Triplicate của CO form E hoặc bất kỳ chứng từ nào thể hiện việc cấp CO form E bản gốc.
Lưu ý: theo quy định tại Điều 29 Thông tư 12/2019/TT-BCT về lưu trữ hồ sơ:
Theo đó:
- Hồ sơ đề nghị cấp CO form E và tất cả chứng từ liên quan được lưu tại cơ quan, tổ chức cấp CO không ít hơn 3 năm kể từ ngày cấp.
- Thông tin liên quan đến hiệu lực của CO form E được cung cấp theo yêu cầu của Nước thành viên nhập khẩu.
- Bất kỳ thông tin trao đổi giữa các Nước thành viên liên quan phải được giữ bí mật và chỉ được sử dụng cho việc xác nhận tính hợp lệ của CO form E.
- Để phục vụ việc kiểm tra xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Điều 28 Thông tư 12/2019/TT-BCT, nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu đề nghị cấp CO form E, theo quy định và pháp luật Nước thành viên xuất khẩu, phải lưu trữ chứng từ đề nghị cấp CO không ít hơn 3 năm kể từ ngày cấp CO form E.
Nộp CO form E cho cơ quan hải quan tại thời điểm nào?
Việc nộp CO form E được quy định tại Điều 24 Thông tư 12/2019/TT-BCT cụ thể như sau:
Bản gốc CO form E được nộp cho cơ quan hải quan tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa để đề nghị cho hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định và pháp luật của Nước thành viên nhập khẩu.
Lưu ý: Về việc miễn nộp CO form E (Điều 26 Thông tư 12/2019/TT-BCT):
(1) Trường hợp hàng hóa có xuất xứ từ Nước thành viên xuất khẩu có trị giá FOB không vượt quá 200 đô la Mỹ được miễn nộp CO form E và chỉ cần bản khai báo đơn giản của nhà xuất khẩu rằng hàng hóa đó có xuất xứ của Nước thành viên xuất khẩu.
Hàng hóa gửi qua đường bưu điện có trị giá FOB không vượt quá 200 đô la Mỹ cũng được áp dụng quy định này.
(2) Trường hợp cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu xác định rằng việc nhập khẩu các lô hàng liên tiếp có thể nhằm mục đích tránh không phải nộp CO, hàng hóa nhập khẩu như vậy không được miễn CO form E theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Phan Thanh Thảo
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về CO form E có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bản tự nhận xét đánh giá cán bộ quản lý? Cách viết bản tự nhận xét đánh giá cán bộ quản lý chi tiết?
- Thời điểm công khai dự toán ngân sách nhà nước được quy định như thế nào? Hình thức công khai dự toán ngân sách nhà nước là gì?
- Có được cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc khi thu hồi đất đối với người có đất vắng mặt tại địa phương?
- Cyber Monday là ngày gì? Cyber Monday 2024 ngày nào, thứ mấy? Ngày 2 tháng 12 năm 2024 dương lịch là ngày mấy âm?
- Trụ sở của người nộp thuế ở đâu? Chỉ được kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế 01 lần trong 01 năm trong trường hợp nào?