Canh tác đào bới trong phạm vi đường thông tầm nhìn biên giới có vi phạm pháp luật hay không? Nếu có thì bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Đường thông tầm nhìn biên giới là gì?
- Canh tác, đào bới trong phạm vi đường thông tầm nhìn biên giới có vi phạm pháp luật hay không?
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có biên giới có quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi canh tác, đào bới trong phạm vi đường thông tầm nhìn biên giới không?
Đường thông tầm nhìn biên giới là gì?
Theo khoản 7 Điều 1 Hiệp định quy chế quản lý biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Hoa có quy định như sau:
Trong Hiệp định này, hai Bên sử dụng các thuật ngữ sau:
...
7. “Đường thông tầm nhìn biên giới” là chỉ khoảng rộng từ 5m-7m (mỗi bên rộng từ 2,5m đến 3,5m), do hai Bên cùng mở ra hai phía tại những đoạn được xác định trên đường biên giới, mục đích làm cho cho đường biên giới rõ ràng, dễ nhận biết.
...
Theo đó, đường thông tầm nhìn biên giới là chỉ khoảng rộng từ 5m-7m (mỗi bên rộng từ 2,5m đến 3,5m), do Việt Nam và Trung Quốc cùng mở ra hai phía tại những đoạn được xác định trên đường biên giới, mục đích làm cho cho đường biên giới rõ ràng, dễ nhận biết.
Canh tác, đào bới trong phạm vi đường thông tầm nhìn biên giới (Hình từ Internet)
Canh tác, đào bới trong phạm vi đường thông tầm nhìn biên giới có vi phạm pháp luật hay không?
Theo điểm b khoản 3, khoản 11 và khoản 12 Điều 6 Nghị định 96/2020/NĐ-CP (được bổ sung bởi điểm c khoản 7 Điều 2 Nghị định 37/2022/NĐ-CP và được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 4 Nghị định 37/2022/NĐ-CP) quy định như sau:
Hành vi vi phạm quy chế khu vực biên giới đất liền
...
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:
a) Cư dân biên giới cho người khác sử dụng giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh biên giới để qua lại biên giới;
b) Canh tác, đào bới trong phạm vi đường thông tầm nhìn biên giới;
c) Vi phạm quy tắc hoạt động của tàu thuyền trên sông, suối biên giới;
d) Không trình báo với đồn Biên phòng hoặc Công an cấp xã sở tại về mục đích, thời gian, danh sách người, số lượng phương tiện, nội dung và phạm vi hoạt động ở vành đai biên giới;
đ) Ra, vào, đi lại, điều khiển phương tiện, tiến hành các hoạt động không đúng quy định trong vùng cấm.
...
11. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3; điểm đ khoản 4; khoản 6; điểm c khoản 7; điểm b khoản 9; khoản 10 Điều này;
...
12. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc rời khỏi khu vực biên giới đất liền đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 1; điểm d, điểm đ khoản 2; điểm d, điểm đ khoản 3; điểm b, điểm d khoản 4; điểm a khoản 5; điểm b khoản 6; điểm a, điểm b khoản 7 Điều này;
b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc tháo dỡ công trình, phần công trình không có giấy phép đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 6; điểm c khoản 10 Điều này;
...
Như vậy, căn cứ theo quy định này thì canh tác, đào bới trong phạm vi đường thông tầm nhìn biên giới được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu như bị phát hiện sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng tùy mức độ vi phạm.
Ngoài ra, người canh tác, đào bới trong phạm vi đường thông tầm nhìn biên giới còn bị xử phạt bổ sung bằng hình thức là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm.
Lưu ý: Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 96/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có biên giới có quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi canh tác, đào bới trong phạm vi đường thông tầm nhìn biên giới không?
Theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 96/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm a khoản 14 Điều 2 Nghị định 37/2022/NĐ-CP) quy định về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có biên giới như sau:
Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có biên giới
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 10.000.000 đồng;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 3 Điều 3 Nghị định này.
...
Chiếu theo quy định này, mức xử lý hành chính tối đa mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền xử phạt là 5.000.000 đồng đối với cá nhân và 10.000.000 đồng đối với tổ chức đối với cùng hành vi (theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 96/2020/NĐ-CP). (cao hơn mức phạt tiền tối đa có thể áp dụng đối với hành vi canh tác, đào bới trong phạm vi đường thông tầm nhìn biên giới (kể cả cá nhân và tổ chức).
Ngoài ra, khoản 1 Điều 24 Nghị định 96/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 23 Điều 2 Nghị định 37/2022/NĐ-CP) quy định như sau:
Phân định thẩm quyền xử phạt
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có biên giới có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại các Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13 và Điều 14 của Nghị định này trong phạm vi quản lý của địa phương mình theo thẩm quyền quy định tại Điều 15 Nghị định này.
...
Từ những phân tích ở trên có thể kết luận Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có biên giới có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi canh tác, đào bới trong phạm vi đường thông tầm nhìn biên giới.
Huỳnh Lê Bình Nhi
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Biên giới quốc gia có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổ chức kinh doanh trong hoạt động bán hàng tận cửa có được tiếp tục đề nghị cung cấp dịch vụ khi người tiêu dùng đã từ chối?
- Tổ chức kinh tế có được thế chấp quyền sử dụng đất đối với đất Nhà nước cho thuê trả tiền hằng năm không?
- Những trường hợp nào được miễn phần thi ngoại ngữ trong thi tuyển công chức từ ngày 17/9/2024?
- Mẫu đơn đề nghị chuyển đổi chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng mới nhất? Chứng chỉ hành nghề xây dựng cấp lần đầu có hiệu lực mấy năm?
- Doanh thu chưa thực hiện là gì? Hạch toán trường hợp bán hàng theo phương thức trả chậm, trả góp như thế nào?