Cha mẹ hành hạ, đánh đập con cái có được xem là hành vi bạo lực gia đình không? Cha mẹ hành hạ, đánh đập con cái sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào?
Hành hạ là gì?
Căn cứ khoản 7.1 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC quy định hành vi ngược đãi, hành hạ được hiểu là việc đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở và về các mặt sinh hoạt hàng ngày khác đối với người thân như: nhiếc móc, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách một cách không bình thường hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể người bị hại như: đánh đập, giam hãm,... làm cho người bị hại bị đau đớn về thể xác và tinh thần.
Cha mẹ hành hạ, đánh đập con cái có được xem là hành vi bạo lực gia đình không?
Theo quy định tại Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 về các hành vi được xem là bạo lực gia đình sau đây:
"Điều 2. Các hành vi bạo lực gia đình
1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;
e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
2. Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng."
Như vậy, cha mẹ hành hạ đánh đập con cái được xem là hành vi bạo lực gia đình.
Cha mẹ có hành vi hành hạ, đánh đập con cái có thể bị xử lý hình sự không?
Mức xử phạt hành chính đối với cha mẹ có hành vi hành hạ, đánh đập con cái là gì?
Căn cứ Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định hành vi xâm hại sức khỏe như sau:
"Điều 52. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;
b) Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này."
Theo đó, cha mẹ có hành vi hành hạ, đánh đập con cái gây thương tích sẽ bị xử phạt 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Nếu sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Buộc xin lỗi công khai và chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Cha mẹ có hành vi hành hạ, đánh đập con cái có thể bị xử lý hình sự không?
Theo quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình như sau:
"Điều 185. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình
1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo."
Đối chiếu quy định trên, như vậy, trường hợp khi cha thường xuyên bạo hành thể xác, đánh đập con cái hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn tiếp tục tái phạm có thể bị phạt phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trường hợp cha có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể, đánh đập con cái dưới 16 tuổi hoặc ngược đãi, hành hạ con cái là người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. Trường hợp nặng hơn có thể bị truy cứu về tội cố ý gây thương tích tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.
Lê Thanh Ngân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Bạo lực gia đình có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do trạm y tế xã thực hiện do Bộ Y tế ban hành mới nhất?
- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo của Bộ Tư pháp có 02 năm liên tiếp được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ có bị cho thôi việc?
- Từ ngày 1/1/2025, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện hoạt động theo nguyên tắc nào?
- Người làm chứng trong tố tụng dân sự là ai? Người làm chứng được từ chối khai báo lời khai không?
- Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo nhà chung cư phải được công bố công khai ở đâu?