Chất thải rắn sinh hoạt là gì? Cơ sở sản xuất phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dưới 300 kg trong ngày có được miễn đăng ký môi trường?
- Chất thải rắn sinh hoạt là chất thải như thế nào?
- Cơ sở sản xuất phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dưới 300 kg trong ngày có được miễn đăng ký môi trường không?
- Cơ sở sản xuất phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dưới 300 kg trong ngày được lựa chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt như thế nào?
Chất thải rắn sinh hoạt là chất thải như thế nào?
Chất thải rắn sinh hoạt được giải thích tại khoản 11 Điều 3 Nghị định 08/2022/NĐ-CP như sau:
Chất thải rắn sinh hoạt (còn gọi là rác thải sinh hoạt) là chất thải rắn phát sinh trong sinh hoạt thường ngày của con người.
Theo quy định trên, chất thải rắn sinh hoạt, còn gọi là rác thải sinh hoạt là chất thải rắn phát sinh trong sinh hoạt thường ngày của con người.
Chất thải rắn sinh hoạt (Hình từ Internet)
Cơ sở sản xuất phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dưới 300 kg trong ngày có được miễn đăng ký môi trường không?
Cơ sở sản xuất phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dưới 300 kg trong ngày có được miễn đăng ký môi trường không, thì theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định 08/2022/NĐ-CP như sau:
Đối tượng được miễn đăng ký môi trường
1. Dự án đầu tư, cơ sở quy định tại điểm a khoản 2 Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường.
2. Dự án đầu tư khi đi vào vận hành và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không phát sinh chất thải hoặc chỉ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dưới 300 kg/ngày được quản lý theo quy định của chính quyền địa phương; hoặc phát sinh nước thải dưới 05 m3/ngày, khí thải dưới 50 m3/giờ được xử lý bằng công trình thiết bị xử lý tại chỗ hoặc được quản lý theo quy định của chính quyền địa phương.
3. Danh mục dự án đầu tư, cơ sở được miễn đăng ký môi trường quy định tại Phụ lục XVI ban hành kèm theo Nghị định này.
Theo quy định trên, dự án đầu tư khi đi vào vận hành và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không phát sinh chất thải hoặc chỉ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dưới 300 kg/ngày được quản lý theo quy định của chính quyền địa phương; hoặc phát sinh nước thải dưới 05 m3/ngày, khí thải dưới 50 m3/giờ được xử lý bằng công trình thiết bị xử lý tại chỗ hoặc được quản lý theo quy định của chính quyền địa phương thì được miễn đăng ký môi trường.
Như vậy, cơ sở sản xuất chỉ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dưới 300 kg/ngày được quản lý theo quy định của chính quyền địa phương thì được miễn đăng ký môi trường.
Cơ sở sản xuất phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dưới 300 kg trong ngày được lựa chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt như thế nào?
Cơ sở sản xuất phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dưới 300 kg trong ngày được lựa chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Nghị định 08/2022/NĐ-CP như sau:
Quản lý chất thải rắn sinh hoạt của cơ quan, tổ chức, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp
1. Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng với tổng khối lượng dưới 300 kg/ngày được lựa chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt như hộ gia đình, cá nhân quy định tại Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường hoặc quản lý theo quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này phải chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho các đối tượng sau:
a) Cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển do chính quyền địa phương lựa chọn theo quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường;
b) Cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản này nhưng có hợp đồng chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho cơ sở vận chuyển do chính quyền địa phương lựa chọn theo quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường;
c) Cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản này nhưng có hợp đồng chuyển giao với cơ sở tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy định tại điểm d khoản này;
d) Cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 78 Luật Bảo vệ môi trường;
đ) Cơ sở xử lý do chính quyền địa phương lựa chọn theo quy định tại khoản 2 Điều 78 Luật Bảo vệ môi trường. Việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trong trường hợp này phải bằng phương tiện vận chuyển đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
e) Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản hoặc sản xuất phân bón phù hợp đối với chất thải thực phẩm.
...
Như vậy, cơ sở sản xuất phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dưới 300 kg trong ngày được lựa chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt như hộ gia đình, cá nhân quy định tại Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2020 hoặc quản lý theo quy định tại khoản 2 nêu trên.
Mai Hoàng Trúc Linh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Chất thải rắn sinh hoạt có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu đơn đề nghị chuyển đổi chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng mới nhất? Chứng chỉ hành nghề xây dựng cấp lần đầu có hiệu lực mấy năm?
- Doanh thu chưa thực hiện là gì? Hạch toán trường hợp bán hàng theo phương thức trả chậm, trả góp như thế nào?
- Bán hàng tận cửa là gì? Số ngày để người tiêu dùng cân nhắc việc thực hiện hợp đồng bán hàng tận cửa là mấy ngày?
- Người nộp thuế được xóa nợ tiền thuế trong trường hợp nào? Ai thực hiện việc lập hồ sơ xóa nợ tiền thuế?
- Khi nào thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 12 tháng? Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật lao động khiển trách và kéo dài thời hạn nâng lương cùng lúc được không?