Chạy xe của người thân thì có bị phạt vì xe không chính chủ? Từ 15/8, xe không chính chủ định danh ra sao?
Chạy xe của người thân thì có bị phạt vì xe không chính chủ?
Theo các quy định hiện nay, chưa có quy định nào đề cập đến khái niệm ''xe không chính chủ".
Về cơ bản, xe không chính chủ là cụm từ dùng để chỉ những xe đã được chuyển quyền sở hữu (bán, tặng cho, thừa kế, trao đổi, góp vốn, phân bổ, điều chuyển xe), nhưng chưa làm giấy tờ sang tên, chủ cũ vẫn đứng tên trên giấy đăng ký xe đó.
Như vậy, trong trường hợp người sử dụng xe của người thân (không thuộc các trường hợp chuyển quyền sở hữu nêu trên) thì sẽ không được tính là xe không chính chủ. Tuy nhiên, nếu trong quá sử dụng xe có xảy ra tai nạn hoặc các vấn đề khác với xe thì cơ quan có thẩm quyền sẽ dựa vào biển số xe, thông tin xe để liên hệ với chủ xe.
Cụ thể, đối chiếu với quy định pháp luật hiện nay, tại khoản 4 Điều 6 Thông tư 24/2023/TT-BCA có quy định về trách nhiệm của chủ xe khi chuyển quyền sở hữu xe như sau:
Trách nhiệm của chủ xe
...
4. Khi bán, tặng cho, thừa kế, trao đổi, góp vốn, phân bổ, điều chuyển xe (sau đây gọi chung là chuyển quyền sở hữu xe):
...
b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe, chủ xe phải làm thủ tục thu hồi; trường hợp quá thời hạn trên mà chủ xe không làm thủ tục thu hồi hoặc giao chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe làm thủ tục thu hồi thì trước khi giải quyết cơ quan đăng ký xe ra quyết định xử phạt đối với chủ xe về hành vi không làm thủ tục thu hồi theo quy định;
Trường hợp chủ xe không làm thủ tục thu hồi sau khi chuyển quyền sở hữu xe thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi vi phạm liên quan đến xe đó;
Theo đó, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chuyển quyền sở hữu xe, chủ xe phải nộp lại giấy đăng ký xe, biển số xe để làm thủ tục thu hồi. Sau đó, chủ xe mới sẽ làm thủ tục sang tên xe.
Nếu người nhận chuyển quyền sở hữu xe không thực hiện các thủ tục thu hồi, sang tên xe nêu trên mà vẫn sử dụng xe thì lúc này sẽ tính là "xe không chính chủ".
Chạy xe của người thân thì có bị phạt vì xe không chính chủ? Từ 15/8, xe không chính chủ định danh ra sao? (Hình từ Internet)
Từ 15/8, xe không chính chủ định danh ra sao?
Tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 24/2023/TT-BCA có quy định như sau:
Nguyên tắc đăng ký xe
...
3. Biển số xe được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe (sau đây gọi là biển số định danh). Biển số định danh là biển số có ký hiệu, seri biển số, kích thước của chữ và số, màu biển số theo quy định tại Thông tư này.
4. Đối với chủ xe là công dân Việt Nam thì biển số xe được quản lý theo số định danh cá nhân.
5. Đối với chủ xe là người nước ngoài thì biển số xe được quản lý theo số định danh của người nước ngoài do hệ thống định danh và xác thực điện tử xác lập hoặc số thẻ thường trú, số thẻ tạm trú hoặc số chứng minh thư khác do cơ quan có thẩm quyền cấp.
...
Đối chiếu với quy định trên, từ 15/8/2023, biển số xe sẽ được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe (biển số định danh).
Như vậy, có thể hiểu, biển số định danh sẽ được cấp cho chủ xe có tên trên hệ thống đăng ký xe. Trường hợp xe không chính chủ thì khi chuyển đổi biển số định danh, sẽ cấp định danh cho người đang đứng tên trên giấy đăng ký xe (cà vẹt xe) chứ không phải cấp cho người đang sử dụng xe.
Để giải quyết vấn đề xe không chính chủ này, khoản 4 Điều 6 Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ bán xe, chủ xe phải làm thủ tục thu hồi. Sau đó, chủ xe và người nhận chuyển quyền sở hữu xe phải làm thủ tục đăng ký, sang tên xe (Lúc này, chủ xe mới sẽ được cấp biển định danh mới cho xe đó).
Trường hợp quá thời hạn trên mà chủ xe không làm thủ tục thu hồi hoặc giao chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe làm thủ tục thu hồi thì trước khi giải quyết cơ quan đăng ký xe ra quyết định xử phạt đối với chủ xe.
Trường hợp chủ xe không làm thủ tục thu hồi sau khi chuyển quyền sở hữu xe thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi vi phạm liên quan đến xe không chính chủ đó.
Chạy xe không chính chủ bị phạt bao nhiêu tiền?
Như đã đề cập, chưa có quy định nào đề cập đến khái niệm ''xe không chính chủ".
Tuy nhiên, khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế xe mà vẫn để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình thì người nhận chuyển quyền sở hữu sẽ bị phạt vì lỗi "Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe".
Cụ thể, căn cứ quy định tại điểm a khoản 4 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt cho hành vi này được xác định như sau:
- Đối với xe máy:
+ Cá nhân: Bị phạt tiền từ 400 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng;
+ Tổ chức: Bị phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng.
- Đối với xe ô tô:
+ Cá nhân: Bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng;
+ Tổ chức: Bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng.
Thông tư 24/2023/TT-BCA sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8/2023
Đặng Phan Thị Hương Trà
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Xe không chính chủ có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Có phải đăng ký biến động quyền sử dụng đất khi người sử dụng đất thế chấp quyền sử dụng đất không?
- Người điều khiển ô tô có được dừng xe song song với xe khác không? Nếu không được thì có bị phạt không? Phạt bao nhiêu?
- Kết chuyển lãi lỗ đầu năm là gì? Tài khoản 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối Thông tư 200 phản ánh nội dung gì?
- Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải công khai thông tin gì cho khách hàng? Có cần xin chấp thuận trước khi sáp nhập hay không?
- Phải nộp hồ sơ đề nghị gia hạn trước khi hết thời hạn sử dụng đất mấy tháng? Thời hạn sử dụng đất đối với đất sử dụng có thời hạn là bao lâu?