Chi phí giám định trong tố tụng do ai chịu? Tiền nộp tạm ứng chi phí giám định có được hoàn trả hay không?
Tiền tạm ứng chi phí giám định, chi phí giám định là gì?
Theo Điều 159 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định như sau:
"Điều 159. Tiền tạm ứng chi phí giám định, chi phí giám định
1. Tiền tạm ứng chi phí giám định là số tiền mà người giám định tạm tính để tiến hành việc giám định theo quyết định của Tòa án hoặc theo yêu cầu giám định của đương sự.
2. Chi phí giám định là số tiền cần thiết và hợp lý phải chi trả cho việc giám định và do người giám định tính căn cứ vào quy định của pháp luật."
Như vậy, tiền tạm ứng chi phí giám định là số người mà người giám định tạm tính cho việc tiến hành giám định. Chi phí này là khoản tiền cần thiết và hợp lý phải chi trả cho việc giám định của người yêu cầu.
Giám định trong tố tụng
Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí giám định?
Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí giám định được quy định tại Điều 160 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, cụ thể:
"Điều 160. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí giám định
Trường hợp các đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí giám định được xác định như sau:
1. Người yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định.
Trường hợp các bên đương sự yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định về cùng một đối tượng thì mỗi bên đương sự phải nộp một nửa số tiền tạm ứng chi phí giám định.
2. Trường hợp Tòa án xét thấy cần thiết và quyết định trưng cầu giám định thì nguyên đơn, người yêu cầu giải quyết việc dân sự, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định.
3. Đương sự, người có yêu cầu giải quyết việc dân sự, người kháng cáo đã yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định mà không được chấp nhận và tự mình yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện giám định thì việc nộp tiền tạm ứng chi phí giám định được thực hiện theo quy định của Luật giám định tư pháp."
Như vậy, các bên đương sự có thể thỏa thuận về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí giám định. Nếu các bên không có thỏa thuận, nghĩa vụ này sẽ được xem xét theo từng trường hợp trên mà thực hiện.
Nghĩa vụ chịu chi phí giám định?
Nghĩa vụ chịu chi phí giám định được quy định tại Điều 161 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 như sau:
"Điều 161. Nghĩa vụ chịu chi phí giám định
Trường hợp các bên đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì nghĩa vụ chịu chi phí giám định được xác định như sau:
1. Người yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định phải chịu chi phí giám định, nếu kết quả giám định chứng minh yêu cầu của người đó là không có căn cứ. Trường hợp kết quả giám định chứng minh yêu cầu của họ chỉ có căn cứ một phần thì họ phải nộp chi phí giám định đối với phần yêu cầu của họ đã được chứng minh là không có căn cứ.
2. Người không chấp nhận yêu cầu trưng cầu giám định của đương sự khác trong vụ án phải nộp chi phí giám định, nếu kết quả giám định chứng minh yêu cầu của người yêu cầu trưng cầu giám định là có căn cứ. Trường hợp kết quả giám định chứng minh yêu cầu trưng cầu giám định chỉ có căn cứ một phần thì người không chấp nhận yêu cầu trưng cầu giám định phải chịu chi phí giám định tương ứng với phần yêu cầu đã được chứng minh là có căn cứ.
3. Trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217, điểm b khoản 1 Điều 299 của Bộ luật này thì nguyên đơn phải chịu chi phí giám định.
Trường hợp đình chỉ giải quyết việc xét xử phúc thẩm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 289, khoản 3 Điều 296 của Bộ luật này thì người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải chịu chi phí giám định;
4. Trường hợp người tự mình yêu cầu giám định theo quy định tại khoản 3 Điều 160 của Bộ luật này, nếu kết quả giám định chứng minh yêu cầu của người đó là có căn cứ thì người thua kiện phải chịu chi phí giám định. Trường hợp kết quả giám định chứng minh yêu cầu giám định của họ chỉ có căn cứ một phần thì họ phải nộp chi phí giám định đối với phần yêu cầu của họ đã được chứng minh là không có căn cứ;
5. Đối với các trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án khác theo quy định của Bộ luật này thì người yêu cầu trưng cầu giám định phải chịu chi phí giám định."
Như vậy, khoản chi phí giám định này sẽ do các bên thỏa thuận chi trả. Nếu không có thỏa thuận sẽ xem xét theo từng trường hợp trên mà thực hiện.
Xử lý tiền tạm ứng chi phí giám định đã nộp?
Theo Điều 162 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về việc xử lý tiền tạm ứng chi phí giám định đã nộp như sau:
"Điều 162. Xử lý tiền tạm ứng chi phí giám định đã nộp
1. Trường hợp người đã nộp tiền tạm ứng chi phí giám định không phải chịu chi phí giám định thì người phải chịu chi phí giám định theo quyết định của Tòa án phải hoàn trả cho người đã nộp tiền tạm ứng chi phí giám định.
2. Trường hợp người đã nộp tiền tạm ứng chi phí giám định phải chịu chi phí giám định, nếu số tiền tạm ứng đã nộp chưa đủ cho chi phí giám định thực tế thì họ phải nộp thêm phần tiền còn thiếu; nếu số tiền tạm ứng đã nộp nhiều hơn chi phí giám định thực tế thì họ được trả lại phần tiền còn thừa theo quyết định của Tòa án."
Như vậy, tiền tạm ứng đã nộp sẽ được hoàn trả cho trường hợp không phải chịu chi phí giám định. Trường hợp đóng thiếu hoặc dư sẽ phải đóng bổ sung thêm hoặc được trả lại tiền thừa sau khi thực hiện giám định xong.
Từ những căn cứ trên, chi phí tạm ứng mà Tòa án yêu cầu bạn nộp là có căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 160 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Và khoản tiền này có thể được hoàn trả hoàn toàn hoặc hoàn trả một phần hoặc bạn phải bổ sung thêm dựa vào chi phí giám định thực tế sau khi tiến hành giám định.
Châu Mỹ Ngọc
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Tố tụng dân sự có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quy trình, thủ tục cấp Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng từ ngày 25/12/2024 thực hiện như thế nào?
- Mẫu Công văn báo cáo kết quả đại hội theo Nghị định 126 áp dụng từ ngày 26/11/2024 như thế nào?
- Mẫu đăng ký chi bộ 4 tốt, đảng bộ 4 tốt mới nhất? Tải về file word Mẫu đăng ký chi bộ 4 tốt, đảng bộ 4 tốt?
- Mẫu đơn khiếu nại nghĩa vụ quân sự mới nhất? Tải về mẫu đơn khiếu nại nghĩa vụ quân sự mới nhất ở đâu?
- Tổng hợp mẫu Báo cáo kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở? Thực hiện dân chủ ở cơ sở là gì?