Chồng bị mất tích hơn 02 năm thì vợ có được quyền đơn phương ly hôn theo quy định của pháp luật hiện hành không?
Trường hợp nào thì một người bị tuyên bố mất tích?
Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc tuyên bố người mất tích như sau:
- Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.
Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
- Quyết định của Tòa án tuyên bố một người mất tích phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Theo đó, việc chồng bạn mất tích hơn 02 năm, đã áp dụng đầy đủ các biện pháp tìm kiếm nhưng vẫn không thể tìm ra được, thì trường hợp này, Tòa án sẽ tuyên bố chồng bạn bị mất tích.
Chồng bị mất tích thì vợ có quyền ly hôn không?
Khi chồng hoặc vợ bị tuyên bố mất tích thì người còn lại có quyền ly hôn theo yêu cầu của một bên, được quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014,
"2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn."
Theo đó, việc chồng bạn bị tuyên bố mất tích, bạn có quyền đơn phương ly hôn, mà không phải chịu bất kỳ sự ràng buộc nào.
Chồng bị mất tích hơn 02 năm thì vợ có được quyền đơn phương ly hôn không?
Chia tài sản sau khi ly hôn đối với người bị tuyên bố mất tích
Việc chia tài sản sau khi ly hôn trong trường hợp của chị, vẫn phải thực hiện theo đúng các nguyên tắc quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tuy nhiên, trong trường hợp này không thể thỏa thuận việc chia tài sản được với chồng, (hoặc với gia đình chồng) thì tài sản được chia theo quyết định của Tòa án. Các nguyên tắc cụ thể như sau:
- Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
+ Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
+ Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
+ Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
+ Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
- Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
- Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
- Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Tài sản được chia sau ly hôn của người bị mất tích do ai quản lý?
Điều 69 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích như sau:
- Người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại Điều 65 của Bộ luật này tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi người đó bị Tòa án tuyên bố mất tích và có các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Bộ luật này.
- Trường hợp Tòa án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích được giao cho con thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý; nếu không có những người này thì giao cho người thân thích của người mất tích quản lý; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.
Theo đó, mặc dù không có sự xuất hiện của chồng chị, nhưng việc chia tài sản vẫn phải đảm bảo đúng quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Phần tài sản của chồng chị sẽ được giao lại cho con thành niên, cha mẹ hoặc các đối tượng khác đã được trình bày trên đây.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi đối với trường hợp của chị. Như vậy, chị hoàn toàn có quyền được đơn phương ly hôn nếu như chồng chị bị tuyên bố mất tích.
Hoàng Thị Linh Nhâm
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Đơn phương ly hôn có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quy trình đánh giá Đảng viên cuối năm 2024? Quy trình đánh giá xếp loại Đảng viên cuối năm 2024 thế nào?
- Khối lượng của loại vàng miếng SJC do cơ quan nào quyết định? Quy trình gia công vàng miếng SJC từ vàng của Ngân hàng Nhà nước?
- Mẫu phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên mầm non mới nhất? Tải về tại đâu?
- Mẫu biên bản thỏa thuận về việc góp vốn kinh doanh mua bất động sản, đất đai mới nhất? Tải về ở đâu?
- Hướng dẫn cách viết mẫu phiếu đánh giá xếp loại chất lượng công chức? Công chức được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc khi nào?