Chồng có thể thỏa thuận để vợ đứng tên trên tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không?
Chồng muốn để vợ đứng tên trên tài sản chung của vợ chồng phải làm như thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
"Điều 38. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
1. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này"
Theo đó, trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp thỏa thuận thuộc một trong các trường hợp bị vô hiệu. Nếu vợ chồng không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trường hợp anh cần phải xem xét lại là để người vợ đứng tên nhưng vẫn là tài sản chung vợ chồng hay chuyển cho vợ và sẽ là tài sản riêng của người vợ. Trường hợp vẫn là tài sản chung nhưng để người vợ đứng tên trên thì là thủ tục điều chỉnh thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Còn trong trường hợp muốn chuyển từ tài sản chung vợ chồng sang tài sản riêng của vợ hoặc của chồng thì phải lập thành văn bản và văn bản này có thể được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
Tải về mẫu thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn mới nhất 2023: Tại Đây
Tài sản chung của vợ chồng (Hình từ Internet)
Thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân có hiệu lực từ khi nào?
Theo Điều 39 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như sau:
"1. Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản; nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản.
2. Trong trường hợp tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định.
3. Trong trường hợp Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
4. Quyền, nghĩa vụ về tài sản giữa vợ, chồng với người thứ ba phát sinh trước thời điểm việc chia tài sản chung có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác."
Theo đó, thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng anh thỏa thuận và được ghi trong văn bản. Nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản.
Việc công chứng thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thực hiện như thế nào?
Theo quy định tại Điều 40 Luật Công chứng 2014 về công chứng hợp đồng, giao dịch đã được soạn thảo sẵn thì hồ sơ thực hiện công chứng gồm:
- Phiếu yêu cầu công chứng;
- Bản sao giấy tờ tùy thân: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu;
- Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng;
- Bản sao một số giấy tờ khác: Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn; Sổ hộ khẩu
- Dự thảo văn bản thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân (nếu có).
Thời gian thực hiện không quá 02 ngày làm việc, với hợp đồng, giao dịch có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc (theo khoản 2 Điều 43 Luật Công chứng 2014).
Trình tự, thủ tục thực hiện công chứng văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân như sau:
Bước 1: Tiếp nhận yêu cầu công chứng
Vợ, chồng nộp hồ sơ đã chuẩn bị ở trên cho Công chứng viên và trình bày yêu cầu cần công chứng.
Khi tiếp nhận yêu cầu công chứng, nếu hồ sơ đầy đủ, đúng pháp luật thì thụ lý và ghi vào sổ công chứng; Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì yêu cầu bổ sung theo quy định.
Bước 2: Thực hiện công chứng
- Công chứng viên phải kiểm tra dự thảo thỏa thuận hoặc soạn sẵn nội dung thỏa thuận sau đó vợ, chồng đọc lại nội dung được soạn, sửa lại nội dung nếu chưa đúng theo yêu cầu.
- Công chứng viên hướng dẫn vợ, chồng ký vào từng trang của thỏa thuận.
- Công chứng viên yêu cầu các bên xuất trình bản chính các giấy tờ có trong hồ sơ để đối chiếu.
- Ghi lời chứng, ký và đóng dấu.
Lưu ý, đối với nhà đất trong thời ký hôn nhân thì sẽ tiến hành công chứng nơi có đất.
Mai Hoàng Trúc Linh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Tài sản chung của vợ chồng có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người điều khiển ô tô có được dừng xe song song với xe khác không? Nếu không được thì có bị phạt không? Phạt bao nhiêu?
- Kết chuyển lãi lỗ đầu năm là gì? Tài khoản 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối Thông tư 200 phản ánh nội dung gì?
- Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải công khai thông tin gì cho khách hàng? Có cần xin chấp thuận trước khi sáp nhập hay không?
- Phải nộp hồ sơ đề nghị gia hạn trước khi hết thời hạn sử dụng đất mấy tháng? Thời hạn sử dụng đất đối với đất sử dụng có thời hạn là bao lâu?
- Cập nhật các văn bản pháp luật về xuất nhập khẩu mới nhất? Tải Luật thuế xuất nhập khẩu PDF hiện nay?