Có bắt buộc người chỉ huy cứu nạn cứu hộ phải là người có chức vụ cao nhất có mặt tại nơi xảy ra sự cố, tai nạn hay không?
Nguyên tắc trong hoạt động cứu nạn cứu hộ là gì?
Theo Điều 4 Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về nguyên tắc hoạt động cứu nạn cứu hộ như sau:
- Ưu tiên cứu người bị nạn; thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, phương tiện, tài sản của người bị nạn và lực lượng cứu nạn, cứu hộ.
- Bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả và thống nhất trong chỉ huy, điều hành hoạt động cứu nạn, cứu hộ.
- Lấy lực lượng, phương tiện tại chỗ là chủ yếu, lực lượng chuyên trách làm nòng cốt, huy động tổng hợp các lực lượng và nhân dân tham gia cứu nạn, cứu hộ.
Có bắt buộc người chỉ huy cứu nạn cứu hộ phải là người có chức vụ cao nhất có mặt tại nơi xảy ra sự cố, tai nạn hay không? (Hình từ Internet)
Khi sự cố, tai nạn vượt quá khả năng cứu nạn cứu hộ của các lực lượng thì cần ngay đến sự hỗ trợ của cơ quan nào?
Theo Điều 13 Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về việc phân công thực hiện công tác cứu nạn cứu hộ:
- Ngay khi sự cố, tai nạn xảy ra thì cá nhân, hộ gia đình, cơ sở, cơ quan, tổ chức, lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành có trách nhiệm tự tổ chức cứu nạn, cứu hộ, đồng thời báo cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ biết về diễn biến sự cố, tai nạn. Nếu sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, vượt quá khả năng của mình thì yêu cầu cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến xử lý.
- Cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm tổ chức thực hiện cứu nạn, cứu hộ khi sự cố, tai nạn vượt quá khả năng của các lực lượng quy định tại khoản 1 Điều này.
- Khi sự cố, tai nạn vượt quá khả năng cứu nạn, cứu hộ của các lực lượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn có trách nhiệm điều phối thực hiện cứu nạn, cứu hộ.
Theo đó, nếu gặp phải sự cố, tai nạn vượt quá khả năng cứu nạn cứu hộ của các lực lượng thì y ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn có trách nhiệm điều phối thực hiện cứu nạn cứu hộ.
Bên cạnh đó, tại Điều 14 Nghị định 83/2017/NĐ-CP cũng có nêu chế độ thông tin, tiếp nhận và xử lý tin báo về cứu nạn cứu hộ như sau:
- Thông tin về sự cố, tai nạn cần cứu nạn, cứu hộ phải được báo kịp thời cho các lực lượng quy định tại Điều 23 Nghị định 83/2017/NĐ-CP hoặc cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số điện thoại 114 hoặc chính quyền địa phương, Công an nơi gần nhất.
- Khi tiếp nhận tin báo sự cố, tai nạn cần cứu nạn, cứu hộ thì cơ quan tiếp nhận quy định tại khoản 1. Điều này xử lý thông tin để tổ chức cứu nạn, cứu hộ theo quy định tại Điều 13 Nghị định 83/2017/NĐ-CP và ghi sổ nhận tin báo sự cố, tai nạn.
Có bắt buộc người chỉ huy cứu nạn cứu hộ phải là người có chức vụ cao nhất có mặt tại nơi xảy ra sự cố, tai nạn hay không?
Theo khoản 1 Điều 16 Nghị định 83/2017/NĐ-CP có quy định về người chỉ huy cứu nạn cứu hộ như sau:
Người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ
1. Đối với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ phải là người có chức vụ cao nhất từ cấp chỉ huy đội trở lên hoặc là người được người có chức vụ cao nhất của cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có mặt tại nơi xảy ra sự cố, tai nạn ủy quyền.
2. Trong trường hợp sự cố, tai nạn xảy ra mà cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chưa đến kịp thì người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ được quy định như sau:
a) Khi sự cố, tai nạn xảy ra ở cơ quan, tổ chức, cơ sở nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở đó là người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ; trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở vắng mặt thì người chỉ huy là Đội trưởng Đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở hoặc người được ủy quyền là người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ;
b) Khi sự cố, tai nạn xảy ra ở địa bàn cấp xã thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ; trường hợp người này vắng mặt thì Đội trưởng Đội dân phòng hoặc người được ủy quyền là người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ;
c) Đội trưởng Đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành chịu trách nhiệm chỉ huy việc cứu nạn, cứu hộ đối với các sự cố, tai nạn thuộc phạm vi quản lý của mình;
d) Người đứng đầu đơn vị cứu nạn, cứu hộ chuyên trách chịu trách nhiệm chỉ huy việc cứu nạn, cứu hộ đối với các sự cố, tai nạn trong phạm vi quản lý của mình.
3. Khi đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có mặt tại nơi xảy ra sự cố, tai nạn thì người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ quy định tại khoản 2 Điều này bàn giao quyền chỉ huy cứu nạn, cứu hộ cho người chỉ huy của đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Từ quy định nêu trên thì đối với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, người chỉ huy cứu nạn cứu hộ phải là người có chức vụ cao nhất từ cấp chỉ huy đội trở lên hoặc là người được người có chức vụ cao nhất của cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có mặt tại nơi xảy ra sự cố, tai nạn ủy quyền.
Phạm Lan Anh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Tìm kiếm cứu nạn có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trên môi trường điện tử của cơ quan nhà nước được xây dựng bao nhiêu năm?
- Phân loại hàng hóa trong hải quan được giải thích thế nào? Quy định về việc phân loại hàng hóa?
- Từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp nào? Từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP ra sao?
- Trọng tài quy chế là gì? Nguyên đơn làm đơn khởi kiện có được áp dụng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quy chế không?
- Kiểm tra chứng từ đối với chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu được thực hiện thế nào?