Có được tính phép năm đối với thời gian người lao động nghỉ việc do ốm đau hơn 3 tháng hay không?
Có được tính phép năm đối với thời gian người lao động nghỉ việc do ốm đau hơn 3 tháng hay không?
Thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động được quy định tại Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:
Thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động
1. Thời gian học nghề, tập nghề theo quy định tại Điều 61 của Bộ luật Lao động nếu sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề mà người lao động làm việc cho người sử dụng lao động.
2. Thời gian thử việc nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc.
3. Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương theo khoản 1 Điều 115 của Bộ luật Lao động.
4. Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm.
5. Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng.
6. Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng trong một năm.
7. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
8. Thời gian thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà được tính là thời gian làm việc theo quy định của pháp luật.
9. Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động.
10. Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó được kết luận là không vi phạm hoặc không bị xử lý kỷ luật lao động.
Theo quy định nêu trên thì thời gian người lao động nghỉ việc do ốm đau trong năm vẫn được tính là thời gian làm việc để tính phép năm cho người lao động. Nhưng với điều kiện thời gian nghỉ việc do ốm đau đó cộng dồn không quá 02 tháng trong một năm.
Do đó, đối với trường hợp của anh có thời gian nghỉ việc do ốm đau cộng dồn hơn 3 tháng trong năm thì thời gian đó không được coi là thời gian làm việc để tính phép năm.
Có được tính phép năm đối với thời gian người lao động nghỉ việc do ốm đau hơn 3 tháng hay không? (Hình từ Internet)
Cách tính phép năm của người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng như thế nào?
Cách tính phép năm của người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng được căn cứ theo khoản 1 Điều 66 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:
Cách tính ngày nghỉ hằng năm trong một số trường hợp đặc biệt
1. Số ngày nghỉ hằng năm của người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 113 của Bộ luật Lao động được tính như sau: lấy số ngày nghỉ hằng năm cộng với số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có), chia cho 12 tháng, nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm để tính thành số ngày được nghỉ hằng năm.
2. Trường hợp người lao động làm việc chưa đủ tháng, nếu tổng số ngày làm việc và ngày nghỉ có hưởng lương của người lao động (nghỉ lễ, tết, nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng có hưởng lương theo Điều 112, Điều 113, Điều 114 và Điều 115 của Bộ luật Lao động) chiếm tỷ lệ từ 50% số ngày làm việc bình thường trong tháng theo thỏa thuận thì tháng đó được tính là 01 tháng làm việc để tính ngày nghỉ hằng năm.
3. Toàn bộ thời gian người lao động làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước và doanh nghiệp nhà nước được tính là thời gian làm việc để tính ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo quy định tại Điều 114 của Bộ luật Lao động nếu người lao động tiếp tục làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.
Như vậy, theo quy định nêu trên cách tính phép năm của người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng như sau:
Số ngày được nghỉ hằng năm = [(Số ngày nghỉ hằng năm + Số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có))/12] x Số tháng làm việc thực tế |
Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng có được ứng ngày nghỉ phép năm không?
Ngày nghỉ hằng năm của người lao động được quy định theo khoản 4 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Nghỉ hằng năm
...
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
Theo quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết.
Hiện nay, pháp luật không có quy định về việc tạm ứng ngày nghỉ phép mà chỉ quy định về việc người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
Do đó, việc công ty có cho người lao động tạm ứng ngày nghỉ phép hay không phụ thuộc vào nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể của công ty hoặc thỏa thuận giữa người lao động với người sử dụng lao động.
Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng có thể thỏa thuận với công ty để nghỉ trừ vào phép của năm sau. Nếu công ty không đồng ý, người lao động có thể xin nghỉ hết phép năm trong năm nay, những ngày còn lại người lao động thỏa thuận xin nghỉ việc không hưởng lương.
Huỳnh Lê Bình Nhi
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Người lao động có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do trạm y tế xã thực hiện do Bộ Y tế ban hành mới nhất?
- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo của Bộ Tư pháp có 02 năm liên tiếp được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ có bị cho thôi việc?
- Từ ngày 1/1/2025, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện hoạt động theo nguyên tắc nào?
- Người làm chứng trong tố tụng dân sự là ai? Người làm chứng được từ chối khai báo lời khai không?
- Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo nhà chung cư phải được công bố công khai ở đâu?