Cơ quan thuế có quyền ấn định thuế đúng không? Cơ quan thuế có dựa vào kết quả kiểm tra để thực hiện ấn định thuế không?
Cơ quan thuế có quyền ấn định thuế đúng không?
Quyền hạn của cơ quan quản lý thuế được quy định tại Điều 19 Luật Quản lý thuế 2019, bao gồm:
(1) Yêu cầu người nộp thuế cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế, bao gồm cả thông tin về giá trị đầu tư; số hiệu, nội dung giao dịch của các tài khoản được mở tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và giải thích việc tính thuế, khai thuế, nộp thuế.
(2) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế và phối hợp với cơ quan quản lý thuế để thực hiện pháp luật về thuế.
(3) Kiểm tra thuế, thanh tra thuế theo quy định của pháp luật.
(4) Ấn định thuế.
(5) Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.
(6) Xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo thẩm quyền; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế.
(7) Áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
(8) Ủy nhiệm cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thu một số loại thuế theo quy định của Chính phủ.
(9) Cơ quan thuế áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế với người nộp thuế, với cơ quan thuế nước ngoài, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế thu nhập.
(10) Mua thông tin, tài liệu, dữ liệu của các đơn vị cung cấp trong nước và ngoài nước để phục vụ công tác quản lý thuế; chi trả chi phí ủy nhiệm thu thuế từ tiền thuế thu được hoặc từ nguồn kinh phí của cơ quan quản lý thuế theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, cơ quan thuế có quyền thực hiện ấn định thuế theo quy định của pháp luật.
Cơ quan thuế có quyền ấn định thuế đúng không? Cơ quan thuế có dựa vào kết quả kiểm tra để thực hiện ấn định thuế không? (Hình từ Internet)
Cơ quan thuế có dựa vào kết quả kiểm tra để thực hiện ấn định thuế không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật Quản lý thuế 2019 quy định như sau:
Ấn định thuế đối với người nộp thuế trong trường hợp vi phạm pháp luật về thuế
...
2. Căn cứ ấn định thuế bao gồm:
a) Cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế và cơ sở dữ liệu thương mại;
b) So sánh số tiền thuế phải nộp của cơ sở kinh doanh cùng mặt hàng, ngành, nghề, quy mô tại địa phương; trường hợp tại địa phương của cơ sở kinh doanh không có thông tin về mặt hàng, ngành, nghề, quy mô của cơ sở kinh doanh thì so sánh với địa phương khác;
c) Tài liệu và kết quả kiểm tra, thanh tra còn hiệu lực;
d) Tỷ lệ thu thuế trên doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành, nghề theo quy định của pháp luật về thuế.
...
Như vậy, theo quy định, cơ quan thuế dựa vào tài liệu và kết quả kiểm tra, thanh tra còn hiệu lực để thực hiện ấn định thuế.
Ngoài ra, cơ quan thuế thực hiện ấn định thuế còn dựa vào các căn cứ sau đây:
- Cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế và cơ sở dữ liệu thương mại;
- So sánh số tiền thuế phải nộp của cơ sở kinh doanh cùng mặt hàng, ngành, nghề, quy mô tại địa phương; trường hợp tại địa phương của cơ sở kinh doanh không có thông tin về mặt hàng, ngành, nghề, quy mô của cơ sở kinh doanh thì so sánh với địa phương khác;
- Tỷ lệ thu thuế trên doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành, nghề theo quy định của pháp luật về thuế.
Cơ quan thuế có phải thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế về lý do ấn định thuế và căn cứ ấn định thuế hay không?
Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc ấn định thuế được quy định tại Điều 53 Luật Quản lý thuế 2019, cụ thể như sau:
- Cơ quan quản lý thuế thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế về lý do ấn định thuế, căn cứ ấn định thuế, số tiền thuế ấn định, thời hạn nộp tiền thuế.
- Trường hợp cơ quan quản lý thuế thực hiện ấn định thuế qua kiểm tra thuế, thanh tra thuế thì lý do ấn định thuế, căn cứ ấn định thuế, số tiền thuế ấn định, thời hạn nộp tiền thuế phải được ghi trong biên bản kiểm tra thuế, thanh tra thuế, quyết định xử lý về thuế của cơ quan quản lý thuế.
- Trường hợp số tiền thuế ấn định của cơ quan quản lý thuế lớn hơn số tiền thuế phải nộp theo quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền hoặc bản án, quyết định của Tòa án thì cơ quan quản lý thuế phải hoàn trả số tiền thuế nộp thừa.
- Trường hợp số tiền thuế ấn định của cơ quan quản lý thuế nhỏ hơn số tiền thuế phải nộp theo quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền hoặc bản án, quyết định của Tòa án thì người nộp thuế có trách nhiệm nộp bổ sung. Cơ quan quản lý thuế chịu trách nhiệm về việc ấn định thuế.
Như vậy, cơ quan thuế có trách nhiệm phải thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế về lý do ấn định thuế, căn cứ ấn định thuế, số tiền thuế ấn định, thời hạn nộp tiền thuế theo quy định của pháp luật.
Phan Thị Như Ý
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Ấn định thuế có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trụ sở của người nộp thuế ở đâu? Chỉ được kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế 01 lần trong 01 năm trong trường hợp nào?
- Khi nào được điều chỉnh giá hợp đồng EPC? Hợp đồng xây dựng được áp dụng những hình thức giá hợp đồng nào?
- Người khai thác cảng hàng không phải đóng cảng hàng không khi thực hiện việc cải tạo kết cấu hạ tầng sân bay đúng không?
- Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất chưa có hiệu lực thi hành thì được tiến hành cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất không?
- Thành viên hộ gia đình là người 17 tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền cho hộ gia đình không?