Công chức cấp xã vi phạm kỷ luật thì ai có thẩm quyền xử lý kỷ luật? Trình tự, thủ tục như thế nào?
Công chức cấp xã vi phạm kỷ luật thì ai có thẩm quyền xử lý kỷ luật?
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định 112/2020/NĐ-CP được sửa đổi khoản 10 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP như sau:
Thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức
...
2. Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan quản lý hoặc người đứng đầu cơ quan được phân cấp thẩm quyền quản lý công chức tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 28 Nghị định này.
Đối với công chức cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trước khi chủ trì tổ chức họp kiểm điểm theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 26 Nghị định này.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì trường hợp công chức cấp xã vi phạm kỷ luật, Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật đối với công chức cấp xã đó.
Công chức cấp xã vi phạm kỷ luật thì ai có thẩm quyền xử lý kỷ luật? Trình tự, thủ tục như thế nào? (Hình từ Internet)
Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật công chức như thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 25 Nghị định 112/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP.
Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với công chức được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Tổ chức họp kiểm điểm;
Bước 2: Thành lập Hội đồng kỷ luật;
Bước 3: Cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.
Trong đó:
(1) Không thực hiện bước "Tổ chức họp kiểm điểm" đối với trường hợp:
- Xử lý kỷ luật đối với trường hợp vi phạm tại cơ quan cũ và bị phát hiện tại cơ quan mới theo khoản 10 Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP;
- Xử lý kỷ luật theo quyết định của cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 112/2020/NĐ-CP hoặc đã tổ chức kiểm điểm theo quy định của pháp luật và cá nhân đã nhận trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình.
(2) Không thực hiện bước "Thành lập Hội đồng kỷ luật" và "Cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật" đối với trường hợp:
- Đã có kết luận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về hành vi vi phạm, trong đó có đề xuất cụ thể hình thức kỷ luật theo quy định;
- Công chức có hành vi vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng;
- Đã có quyết định xử lý kỷ luật về đảng, trừ trường hợp cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật theo quy định.
> Các trường hợp tại mục (1) và (2) nêu trên được sử dụng kết luận về hành vi vi phạm (nếu có) mà không phải điều tra, xác minh lại.
Thời hạn xử lý kỷ luật công chức là bao lâu?
Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định 112/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 71/2023/NĐ-CP như sau:
Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật
...
5. Thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức hoặc từ khi cấp có thẩm quyền kết luận cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền.
Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày.
Cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật phải bảo đảm xử lý kỷ luật trong thời hạn theo quy định. Nếu hết thời hạn xử lý kỷ luật mà chưa ban hành quyết định xử lý kỷ luật thì chịu trách nhiệm về việc chậm ban hành và phải ban hành quyết định xử lý kỷ luật nếu hành vi vi phạm còn trong thời hiệu.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức hoặc từ khi cấp có thẩm quyền kết luận cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền.
Thời hạn xử lý kỷ luật cán bộ công chức viên chức là không quá 90 ngày.
Trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày.
Nếu quá thời hạn này mà vẫn chưa có quyết định xử lý kỷ luật thì cấp có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm về việc chậm ban hành và phải ban hành quyết định xử lý kỷ luật nếu hành vi vi phạm còn trong thời hiệu.
Đặng Phan Thị Hương Trà
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Công chức cấp xã có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do trạm y tế xã thực hiện do Bộ Y tế ban hành mới nhất?
- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo của Bộ Tư pháp có 02 năm liên tiếp được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ có bị cho thôi việc?
- Từ ngày 1/1/2025, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện hoạt động theo nguyên tắc nào?
- Người làm chứng trong tố tụng dân sự là ai? Người làm chứng được từ chối khai báo lời khai không?
- Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo nhà chung cư phải được công bố công khai ở đâu?