Công dân tham gia dân quân thường trực được 18 tháng thì có phải đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự không?
- Đi dân quân thường trực 18 tháng thì có phải đi khám nghĩa vụ quân sự không?
- Đi dân quân thường trực nhưng không được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự thì khi nào được gọi khám sức khỏe?
- Đi dân quân thường trực 18 tháng không được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự thì phải tham gia nghĩa vụ quân sự mấy năm?
Đi dân quân thường trực 18 tháng thì có phải đi khám nghĩa vụ quân sự không?
Theo Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 49 Luật Dân quân tự vệ 2019 theo đó:
Nghĩa vụ quân sự
1. Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.
2. Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này.
3. Công dân phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được coi là thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.
4. Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình:
a) Dân quân thường trực có ít nhất 24 tháng phục vụ thì được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình, do Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc trưởng thôn nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức;
b) Hoàn thành nhiệm vụ tham gia Công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trở lên;
c) Cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên, đã được đào tạo và phong quân hàm sĩ quan dự bị;
d) Thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp tình nguyện phục vụ tại đoàn kinh tế - quốc phòng từ đủ 24 tháng trở lên theo Đề án do Thủ tướng Chính phủ quyết định;
đ) Công dân phục vụ trên tàu kiểm ngư từ đủ 24 tháng trở lên.
Như vậy, các trường hợp công dân được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình bao gồm dân quân thường trực có ít nhất 24 tháng phục vụ, do Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc trưởng thôn nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức.
Công dân chưa đáp ứng điều kiện này và chưa được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình thì vẫn thuộc đối tượng tham gia nghĩa vụ quân sự như quy định.
Tuy nhiên theo điểm h khoản 1 Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, được bổ sung bởi điểm c khoản 1 Điều 49 Luật Dân quân tự vệ 2019 cũng quy định dân quân thường trực là đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ.
Cho nên nếu vẫn còn đang đi dân quân thường trực thì công dân sẽ được hoãn gọi nhập ngũ. Trường hợp không còn đi nữa nhưng mới chỉ đi được 18 tháng thì chưa đủ để công nhận là hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình cho nên vẫn phải tham gia nghĩa vụ quân sự và khám sức khỏe theo lệnh gọi.
Đi dân quân thường trực 18 tháng thì có phải đi khám nghĩa vụ quân sự không? (Hình từ Internet)
Đi dân quân thường trực nhưng không được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự thì khi nào được gọi khám sức khỏe?
Khám sức khỏe cho công dân gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được quy định tại Điều 40 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, theo đó:
Khám sức khỏe cho công dân gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng khám sức khỏe theo đề nghị của phòng y tế cùng cấp.
2. Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện ra lệnh gọi khám sức khỏe cho công dân trong diện gọi nhập ngũ; Trưởng Công an cấp huyện ra lệnh gọi khám sức khỏe cho công dân trong diện gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân. Lệnh gọi khám sức khỏe phải được giao cho công dân trước thời điểm khám sức khỏe 15 ngày.
3. Hội đồng khám sức khỏe cấp huyện tổ chức khám sức khỏe cho công dân trong diện gọi nhập ngũ và gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; trường hợp cần thiết, quyết định việc xét nghiệm cận lâm sàng, bao gồm xét nghiệm phát hiện ma túy, HIV; bảo đảm chính xác và chịu trách nhiệm về kết quả khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
4. Thời gian khám sức khỏe từ ngày 01 tháng 11 đến hết ngày 31 tháng 12 hằng năm. Thời gian khám sức khỏe gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân lần thứ hai theo quy định tại Điều 33 của Luật này do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
5. Kết quả phân loại sức khỏe phải được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức trong thời hạn 20 ngày.
Lịch gọi khám sức khỏe để tuyển quân đi nghĩa vụ quân sự thì sẽ tùy địa phương (từ ngày 01 tháng 11 đến hết ngày 31 tháng 12 hằng năm). Lệnh gọi khám sức khỏe phải được giao cho công dân trước thời điểm khám sức khỏe 15 ngày.
Cho nên trước thời điểm khám sức khỏe 15 ngày, công dân đi dân quân thường trực nhưng không được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ được nhận được lệnh gọi khám sức khỏe, trong đó sẽ có lịch khám cụ thể.
Đi dân quân thường trực 18 tháng không được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự thì phải tham gia nghĩa vụ quân sự mấy năm?
Thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được quy định tại Điều 21 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, theo đó:
Thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ
1. Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.
2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không quá 06 tháng trong trường hợp sau đây:
a) Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu;
b) Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.
3. Thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng được thực hiện theo lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.
Như vậy, người đi dân quân thường trực 18 tháng không được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình phải vẫn phải tham gia nghĩa vụ quân sự thì thời hạn phục vụ tại ngũ vẫn là 24 tháng, có thể kéo dài không quá 06 tháng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định.
Phạm Hồng Thía
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Dân quân thường trực có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chuyên viên chính về quản lý chương trình giáo dục là chức danh gì? Chuyên viên chính về quản lý chương trình giáo dục phải có những chứng chỉ gì?
- Thủ tục xóa đăng ký thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất trong dự án xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng cấp tỉnh ra sao?
- Phương pháp lập Chứng từ điều chỉnh thông tin ghi Sổ kế toán thuế nội địa? Khóa sổ kế toán thuế nội địa trước hay sau khi lập báo cáo kế toán thuế?
- Thủ tục chuyển loại rừng đối với khu rừng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập từ 30/10/2024 ra sao?
- Mức bồi thường được tính thế nào khi Nhà nước thu hồi đất và gây thiệt hại đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước?