Công ty con của tổ chức tín dụng là gì? Ai không được là Kế toán trưởng công ty con của tổ chức tín dụng?
Công ty con của tổ chức tín dụng là gì?
Công ty con của tổ chức tín dụng được định nghĩa tại khoản 9 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 là công ty thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(1) Tổ chức tín dụng hoặc tổ chức tín dụng và người có liên quan của tổ chức tín dụng sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc trên 50% số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty đó;
(2) Tổ chức tín dụng có quyền bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của công ty đó;
(3) Tổ chức tín dụng có quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó;
(4) Tổ chức tín dụng hoặc tổ chức tín dụng và người có liên quan của tổ chức tín dụng trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát việc thông qua nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của công ty đó.
Ngoài ra:
(i) Tổ chức tín dụng được định nghĩa tại khoản 38 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này.
Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.
(ii) Người có liên quan là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với tổ chức, cá nhân khác thuộc một trong các trường hợp sau đây (khoản 24 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024):
- Công ty mẹ với công ty con và ngược lại;
+ Công ty mẹ với công ty con của công ty con và ngược lại;
+ Tổ chức tín dụng với công ty con của tổ chức tín dụng và ngược lại;
+ Tổ chức tín dụng với công ty con của công ty con của tổ chức tín dụng và ngược lại;
+ Các công ty con của cùng một công ty mẹ hoặc của cùng một tổ chức tín dụng với nhau;
+ Các công ty con của công ty con của cùng một công ty mẹ hoặc của cùng một tổ chức tín dụng với nhau;
+ Người quản lý, kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát của công ty mẹ hoặc của tổ chức tín dụng, cá nhân hoặc tổ chức có thẩm quyền bổ nhiệm những người này với công ty con và ngược lại;
- Công ty hoặc tổ chức tín dụng với người quản lý, kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát của công ty hoặc tổ chức tín dụng đó hoặc với công ty, tổ chức có thẩm quyền bổ nhiệm những người đó và ngược lại;
- Công ty hoặc tổ chức tín dụng với tổ chức, cá nhân sở hữu từ 05% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên tại công ty hoặc tổ chức tín dụng đó và ngược lại;
- Cá nhân với vợ, chồng;
+ Cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng;
+ Con đẻ, con nuôi,
+ Con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể;
+ Anh, chị, em cùng cha mẹ;
+ Anh, chị, em cùng cha khác mẹ;
+ Anh, chị, em cùng mẹ khác cha;
+ Anh vợ, chị vợ, em vợ, anh chồng, chị chồng, em chồng, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha (sau đây gọi là vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em);
+ Ông bà nội, ông bà ngoại;
+ Cháu nội, cháu ngoại;
+ Bác ruột, cô ruột, dì ruột, chú ruột, cậu ruột và cháu ruột;
- Công ty hoặc tổ chức tín dụng với cá nhân có mối quan hệ theo quy định tại điểm d khoản này với người quản lý, kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát, thành viên góp vốn hoặc cổ đông sở hữu từ 05% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của công ty hoặc tổ chức tín dụng đó và ngược lại;
- Cá nhân được ủy quyền đại diện phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này với tổ chức, cá nhân ủy quyền; các cá nhân được ủy quyền đại diện phần vốn góp của cùng một tổ chức với nhau;
- Pháp nhân, cá nhân khác có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xác định theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước thông qua hoạt động thanh tra, giám sát;
- Đối với quỹ tín dụng nhân dân, người có liên quan với khách hàng của quỹ tín dụng nhân dân bao gồm trường hợp quy định tại các điểm b, c, đ và g khoản này; khách hàng với vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em của khách hàng đó.
Công ty con của tổ chức tín dụng là gì? Ai không được là Kế toán trưởng công ty con của tổ chức tín dụng? (Hình từ Internet)
Ai không được là Kế toán trưởng công ty con của tổ chức tín dụng?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 thì:
Những người sau đây không được là Kế toán trưởng, Giám đốc chi nhánh, Tổng giám đốc (Giám đốc) công ty con của tổ chức tín dụng:
(1) Người chưa thành niên; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người bị hạn chế hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự;
(2) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc; đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
(3) Người đã bị kết án về tội từ tội phạm nghiêm trọng trở lên;
(4) Người đã bị kết án về tội xâm phạm sở hữu mà chưa được xóa án tích;
(5) Cán bộ, công chức, viên chức, người quản lý từ cấp phòng trở lên trong doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên, trừ người được cử làm đại diện quản lý phần vốn góp của Nhà nước, của doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên tại tổ chức tín dụng hoặc được cử, chỉ định, bổ nhiệm tham gia quản lý, điều hành, kiểm soát tổ chức tín dụng theo yêu cầu nhiệm vụ;
(6) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện quản lý phần vốn góp của Nhà nước, của doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên tại tổ chức tín dụng;
(7) Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng và vợ, chồng của những người này không được là Kế toán trưởng hoặc là người phụ trách tài chính của tổ chức tín dụng đó.
Công ty con của tổ chức tín dụng không được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng nào?
Theo quy định tại khoản 5 Điều 137 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 thì:
Công ty con của tổ chức tín dụng không được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng sau đây:
- Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là cổ đông, thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng đó;
- Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là người có liên quan của cổ đông lớn, thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng đó.
Phan Thanh Thảo
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Tổ chức tín dụng có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quỹ phát triển đất có được huy động vốn không? Nguồn tài chính của Quỹ phát triển đất có phải được phân bổ từ việc huy động vốn không?
- Tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không có phương án sử dụng có bị phạt không?
- Có mấy biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng? Hợp đồng tư vấn xây dựng có bắt buộc bảo đảm thực hiện hợp đồng?
- Cách tính trợ cấp tai nạn lao động một lần đối với người lao động tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện từ 1 1 2025 theo Nghị định 143 2024?
- Đảng viên không làm bản kiểm điểm Đảng viên có tăng nặng xử lý kỷ luật không? Đảng viên vi phạm kỷ luật có phải kiểm điểm trước chi bộ?