Công ty ma là gì? Cá nhân thành lập công ty ma để vay vốn ngân hàng thì có thể bị khép vào tội gì?
Các điều kiện cần để thành lập công ty hiện nay bao gồm những điều kiện nào?
Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 thì điều kiện để thành lập một công ty sẽ bao gồm 06 điều kiện:
(1) Điều kiện về vốn điều lệ và vốn pháp định khi thành lập công ty: là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần (khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020).
(2) Điều kiện về chủ thể thành lập công ty (khoản 1 và khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020).
(3) Điều kiện về ngành nghề kinh doanh.
(4) Điều kiện về tên công ty: việc đặt tên phải thực hiện theo quy định tại Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020.
(5) Điều kiện về trụ sở: Công ty phải đảm bảo trụ sở đáp ứng các điều kiện tại Điều 42 Luật Doanh nghiệp 2020.
(6) Điều kiện về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020.
Công ty ma là gì? Cá nhân thành lập công ty ma để vay vốn ngân hàng thì có thể bị khép vào tội gì? (Hình từ Internet)
Công ty ma là gì?
Hiện nay, pháp luật không có quy định cụ thể về công ty ma nhưng có thể hiểu công ty ma là những công ty chỉ tồn tại trên giấy tờ, thực tế không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào.
Các cá nhân thành lập các công ty ma nhằm thực hiện các hoạt động gian lận, bất hợp pháp như mua bán hóa đơn, gian lận về thuế, chứng từ trái pháp luật hoặc chiếm đoạt tài sản rồi biến mất.
Dựa trên 06 điều kiện để thành lập doanh nghiệp theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2020 thì có thể nhận biết công ty ma qua các đặc điểm sau:
(1) Loại hình doanh nghiệp:
Thông thường các công ty ma sẽ được thành lập dưới dạng công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc doanh nghiệp tư nhân bởi việc đăng ký khá dễ dàng.
(2) Ngành nghề kinh doanh của công ty ma:
Các công ty ma thường đăng ký rất nhiều ngành nghề, nhưng tập trung chủ yếu vào thương mại, dịch vụ tổng hợp.
Hoặc sẽ chọn những ngành nghề không phải đăng ký vốn pháp định, không phải bắt buộc có chứng chỉ hành nghề để để đăng ký ngành nghề kinh doanh.
(3) Trụ sở của công ty ma
Công ty ma thường đặt trụ sở tại các trung tâm, nhà chung cư hoặc sẽ thuê văn phòng ảo, thuê địa chỉ đăng ký kinh doanh.
Trụ sở của những công ty ma này sẽ không cố định mà có thể sẽ được thay đổi thường xuyên nhằm trốn tránh sự kiểm tra và dễ dàng bỏ trốn khi bị phát hiện.
(4) Người đại diện theo pháp luật
Thông thường các công ty ma này sẽ thuê người khác về làm người đại diện cho công ty.
Người được thuê là thường những đối tượng sinh sống tại địa phương nơi mà công ty ma đặt trụ sở, có trình độ rất thấp, được trả lương hàng tháng để chỉ để đảm nhận vị trí người đại diện ký giấy tờ khi cần thiết.
(5) Hình thức giao dịch
Công ty ma thường sẽ không có phương thức giao dịch qua ngân hàng mà thường sẽ giao dịch bằng tiền mặt, trong khi đó thời gian giữa các lần mua hóa đơn chỉ thường từ 5 tới 10 ngày/ lần và ủy quyền cho người ngoài mua bán hóa đơn.
(6) Thời gian thành lập công ty
Các công ty ma thường có thời gian thành lập và hoạt động rất ngắn. Sau khi đạt được mục đích của mình thì công ty sẽ tiến hành giải thể công ty và di chuyển đến địa phương khác.
(7) Khai báo thuế
Công ty ma thường khai báo về doanh số kinh doanh trong giấy khai thuế là lớn hơn nhưng thực tế lại đóng ít hơn hoặc thuế GTGT đầu ra nhỏ hơn GTGT đầu vào nhưng lại hoàn toàn không xin hoàn thuế.
Thành lập công ty ma để vay vốn ngân hàng thì có thể bị khép vào tội gì?
Thông thường các công ty ma có thời gian hoạt động rất ngắn. Sau khi công ty ma đã đạt được mục đích thì người đứng sau sẽ bỏ trốn.
Trong trường hợp cá nhân thành lập công ty ma để vay vốn ngân hàng sau đó bỏ trốn thì cá nhân này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi điểm a và điểm c khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), cụ thể như sau:
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trường hợp nặng nhất cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trần Thành Nhân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trụ sở của người nộp thuế ở đâu? Chỉ được kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế 01 lần trong 01 năm trong trường hợp nào?
- Khi nào được điều chỉnh giá hợp đồng EPC? Hợp đồng xây dựng được áp dụng những hình thức giá hợp đồng nào?
- Người khai thác cảng hàng không phải đóng cảng hàng không khi thực hiện việc cải tạo kết cấu hạ tầng sân bay đúng không?
- Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất chưa có hiệu lực thi hành thì được tiến hành cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất không?
- Thành viên hộ gia đình là người 17 tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền cho hộ gia đình không?