Đang lái xe ô tô mà sử dụng điện thoại thì bị xử phạt 3 triệu có đúng quy định không? Nếu bị xử phạt thêm lỗi vượt đèn đỏ thì bao nhiêu nữa?
Đang lái xe ô tô mà sử dụng điện thoại thì bị xử phạt 3 triệu có đúng quy định không?
Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, điểm d khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP có quy định xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, theo đó:
"4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường;
b) Đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 5, điểm a khoản 8 Điều này và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;
..."
Như vậy, đối với người điều khiển ô tô lái xe tham gia giao thông mà dùng tay sử dụng điện thoại di động thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Cũng theo khoản 1 Điều 9 Nghị định 118/2021/NĐ-CP có quy định:
"1. Việc xác định mức phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được áp dụng theo nguyên tắc sau đây:
a) Khi xác định mức phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng;
b) Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó. Trong trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt."
Theo đó trong trường hợp thông thường thì mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó. Cụ thể với lỗi vi phạm này thì người lái xe ô tô sẽ bị xử phạt với mức tiền cụ thể là 2,5 triệu đồng. Cho nên theo quy định trên thì mức phạt tối đa 3 triệu chỉ áp dụng khi người vi phạm có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên.
Như vậy, hành vi đang lái xe ô tô mà sử dụng điện thoại thì bị xử phạt 3 triệu có đúng quy định hay không phải xem trường hợp này người vi phạm có hai tình tiết tăng nặng hay không. Nếu không việc xử phạt này không đúng quy định.
Ngoài ra đối với lỗi vi phạm này thì người lái xe còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng (theo khoản 11 Điều 5 Nghị định 100 này).
Xử phạt lái xe
Ô tô vượt đèn đỏ bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo điểm a khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ và điểm đ khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP có quy định:
"5. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;
b) Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;
c) Đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 8 Điều này và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;
..."
Hành vi vượt đèn đỏ theo quy định được hiểu là không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, cho nên người lái xe ô tô vi phạm hành vi này thì sẽ bị phạt tiền từ 4 triệu đến 6 triệu đồng. Mức phạt cụ thể tương tự như quy định trên.
Bị xử phạt giao thông thì có thể nộp phạt bằng những hình thức nào?
Khoản 1 Điều 20 Nghị định 118/2021/NĐ-CP có quy định về hình thức, thủ tục thu, nộp tiền phạt như sau:
"1. Cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện việc nộp tiền phạt theo một trong các hình thức sau đây:
a) Nộp tiền mặt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước mở tài khoản được ghi trong quyết định xử phạt;
b) Chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;
c) Nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 56, khoản 2 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc nộp trực tiếp cho cảng vụ hoặc đại diện cảng vụ hàng không đối với trường hợp người bị xử phạt là hành khách quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam để thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay làm nhiệm vụ trên chuyến bay quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay của hãng hàng không nước ngoài thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam;
d) Nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ vào Kho bạc nhà nước theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích. "
Theo đó đối với việc nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì sẽ nộp vào Kho bạc nhà nước theo quy định trên hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích.
Nguyễn Tuấn Khải
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Xử phạt có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quy trình chuyển đổi vàng miếng khác thành vàng miếng SJC của doanh nghiệp mua bán vàng miếng như thế nào?
- Lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo nhà chung cư thông qua tổ chức đấu thầu được thực hiện trong trường hợp nào?
- Đất công trình thủy lợi thuộc nhóm đất nào? Được sử dụng để làm gì? Ai có trách nhiệm quản lý công trình thủy lợi?
- Lưu ý khi điền xếp loại kết quả đánh giá trong mẫu phiếu tự đánh giá của giáo viên mầm non mới nhất?
- Phụ lục đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thiết bị y tế thực hiện kê khai giá mới nhất? Tải về ở đâu?