Để thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam thì cần phải đáp ứng những điều kiện gì?
- Chi nhánh của thương nhân nước ngoài được quy định như thế nào trong pháp luật về thương mại?
- Điều kiện cấp giấy phép thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam được quy định như thế nào?
- Những trường hợp nào không cấp giấy phép thành lập chi nhánh theo quy định của pháp luật thương mại?
Chi nhánh của thương nhân nước ngoài được quy định như thế nào trong pháp luật về thương mại?
Về thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, được quy định tại Điều 16 Luật Thương mại 2005 cụ thể như sau:
- Thương nhân nước ngoài là thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc được pháp luật nước ngoài công nhận.
- Thương nhân nước ngoài được đặt Văn phòng đại diện, Chi nhánh tại Việt Nam; thành lập tại Việt Nam doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo các hình thức do pháp luật Việt Nam quy định.
- Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thương nhân nước ngoài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh của mình tại Việt Nam.
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thương nhân nước ngoài thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì được coi là thương nhân Việt Nam.
Căn cứ tại khoản 7 Điều 3 Luật Thương mại 2005 về khái niệm chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam cụ thể như sau:
Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập và hoạt động thương mại tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Về quyền thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, được quy định tại Điều 3 Nghị định 07/2016/NĐ-CP cụ thể như sau:
- Thương nhân nước ngoài được thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh của mình tại Việt Nam theo cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Một thương nhân nước ngoài không được thành lập nhiều hơn một Văn phòng đại diện hoặc Chi nhánh có cùng tên gọi trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về thẩm quyền cấp giấy phép thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, được quy định cụ thể tại Điều 6 Nghị định 07/2016/NĐ-CP như sau:
Bộ Công Thương thực hiện việc cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn, thu hồi Giấy phép thành lập Chi nhánh và chấm dứt hoạt động của Chi nhánh trong trường hợp việc thành lập Chi nhánh chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.
Điều kiện cấp giấy phép thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam được quy định như thế nào?
Căn cứ tại Điều 8 Nghị định 07/2016/NĐ-CP về điều kiện cấp giấy phép thành lập chi nhánh được quy định cụ thể như sau:
Thương nhân nước ngoài được cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận;
- Thương nhân nước ngoài đã hoạt động ít nhất 05 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký;
- Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ;
- Nội dung hoạt động của Chi nhánh phải phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với ngành nghề kinh doanh của thương nhân nước ngoài;
- Trường hợp nội dung hoạt động của Chi nhánh không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập Chi nhánh phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành.
Điều kiện cấp giấy phép thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài
Những trường hợp nào không cấp giấy phép thành lập chi nhánh theo quy định của pháp luật thương mại?
Căn cứ tại Điều 14 Nghị định 07/2016/NĐ-CP về các trường hợp không giấy phép thành lập chi nhánh cụ thể như sau:
Cơ quan cấp Giấy phép không cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh cho thương nhân nước ngoài trong những trường hợp sau:
- Không đáp ứng một trong những điều kiện quy định tại Điều 7 đối với trường hợp đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện hoặc không đáp ứng một trong những điều kiện quy định tại Điều 8 đối với trường hợp đề nghị cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh.
- Thương nhân nước ngoài đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh trong thời gian 02 năm, kể từ ngày bị thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh tại Việt Nam theo quy định tại Điều 44 Nghị định này.
- Việc thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh bị hạn chế theo quy định của pháp luật vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng.
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Trên đây là những quy định của pháp luật thương mại về điều kiện được thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Trần Thị Quỳnh Mai
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Thương nhân có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thời hạn thực hiện quyết toán hợp đồng xây dựng sử dụng vốn đầu tư công không được vượt quá bao lâu?
- Đất công trình thủy lợi là đất gì? Đất công trình thủy lợi được sử dụng không nhằm mục đích kinh doanh thì có thu tiền sử dụng đất không?
- Định danh tài khoản mạng xã hội là gì? Mạng xã hội cung cấp cho cộng đồng người sử dụng các dịch vụ gì?
- Hành lý sẽ được thanh lý trong trường hợp nào? Thủ tục thanh lý hành lý được thực hiện như thế nào?
- Mẫu phiếu xin ý kiến chi ủy nơi cư trú với đảng viên là cán bộ công chức viên chức đi học tập trung 12 tháng trong năm?