Đèn giao thông chuyển qua màu vàng có được đi không? Người lái xe ô tô vượt đèn đỏ bị phạt bao nhiêu tiền? Trường hợp này người lái xe có bị tước bằng lái không?
Đèn giao thông chuyển qua màu vàng có được đi không?
Theo khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về hệ thống báo hiệu đường bộ như sau:
(1) Hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.
(2) Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông quy định như sau:
- Tay giơ thẳng đứng để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở các hướng dừng lại;
- Hai tay hoặc một tay dang ngang để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía trước và ở phía sau người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía bên phải và bên trái của người điều khiển giao thông được đi;
- Tay phải giơ về phía trước để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía sau và bên phải người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía trước người điều khiển giao thông được rẽ phải; người tham gia giao thông ở phía bên trái người điểu khiển giao thông được đi tất cả các hướng; người đi bộ qua đường phải đi sau lưng người điều khiển giao thông.
(3) Tín hiệu đèn giao thông có ba mầu, quy định như sau:
- Tín hiệu xanh là được đi;
- Tín hiệu đỏ là cấm đi;
- Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
(4) Biển báo hiệu đường bộ gồm năm nhóm, quy định như sau:
- Biển báo cấm để biểu thị các điều cấm;
- Biển báo nguy hiểm để cảnh báo các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra;
- Biển hiệu lệnh để báo các hiệu lệnh phải thi hành;
- Biển chỉ dẫn để chỉ dẫn hướng đi hoặc các điều cần biết;
- Biển phụ để thuyết minh bổ sung các loại biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh và biển chỉ dẫn.
(5) Vạch kẻ đường là vạch chỉ sự phân chia làn đường, vị trí hoặc hướng đi, vị trí dừng lại.
(6) Cọc tiêu hoặc tường bảo vệ được đặt ở mép các đoạn đường nguy hiểm để hướng dẫn cho người tham gia giao thông biết phạm vi an toàn của nền đường và hướng đi của đường.
(7) Rào chắn được đặt ở nơi đường bị thắt hẹp, đầu cầu, đầu cống, đầu đoạn đường cấm, đường cụt không cho xe, người qua lại hoặc đặt ở những nơi cần điều khiển, kiểm soát sự đi lại.
(8) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về báo hiệu đường bộ.
Như vậy, đèn vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Đèn vàng có được đi không?
Người lái xe ô tô vượt đèn đỏ bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo điểm a khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, điểm đ khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:
“5. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;
b) Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;
c) Đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 8 Điều này và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;
d) Vượt xe trong những trường hợp không được vượt, vượt xe tại đoạn đường có biển báo hiệu có nội dung cấm vượt (đối với loại phương tiện đang điều khiển); không có báo hiệu trước khi vượt; vượt bên phải xe khác trong trường hợp không được phép, trừ trường hợp tại đoạn đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường mà xe chạy trên làn đường bên phải chạy nhanh hơn xe đang chạy trên làn đường bên trái;
đ) Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều) trừ hành vi quy định tại điểm c khoản 4 Điều này; điều khiển xe đi qua dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy; điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà;
e) Tránh xe đi ngược chiều không đúng quy định, trừ hành vi vi phạm sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều quy định tại điểm g khoản 3 Điều này; không nhường đường cho xe đi ngược chiều theo quy định tại nơi đường hẹp, đường dốc, nơi có chướng ngại vật;
g) Không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc; điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc; chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc; không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc;
i) Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h.”
Như vậy, người lái xe ô tô vượt đèn đỏ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
Người lái xe ô tô vượt đèn đỏ có bị tước bằng lái không?
Theo điểm b, điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về hình phạt bổ sung đối với người lái xe ô tô vượt đèn đỏ như sau:
"11. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm e khoản 4 Điều này bị tịch thu thiết bị phát tín hiệu ưu tiên lắp đặt sử dụng trái quy định;
b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm đ khoản 2; điểm h, điểm i khoản 3; khoản 4; điểm a, điểm b, điểm d, điểm đ, điểm g, điểm i khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
c) Thực hiện hành vi quy định tại điểm c khoản 5; điểm a, điểm b khoản 6; khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. Thực hiện hành vi quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng: điểm a, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 1; điểm b, điểm d, điểm g khoản 2; điểm b, điểm g, điểm h, điểm m, điểm n, điểm r, điểm s khoản 3; điểm a, điểm c, điểm e, điểm g, điểm h khoản 4; điểm a, điểm b, điểm e, điểm g, điểm h khoản 5 Điều này;
d) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 9 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng;
đ) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 05 tháng đến 07 tháng;
e) Thực hiện hành vi quy định tại điểm c khoản 6 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng;
g) Thực hiện hành vi quy định tại điểm c khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng;
h) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 10 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng."
Do đó, trường hợp người lái xe ô tô vượt đèn đỏ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; nếu gây tai nạn thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Như vậy, người lái xe ô tô vượt đèn đỏ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. Trường hợp người lái xe ô tô vượt đèn đỏ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; nếu gây tai nạn thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Lê Thị Hương Giang
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Vượt đèn đỏ có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu danh sách thanh niên xung phong được hưởng chế độ trợ cấp một lần là mẫu nào? Tải về file word ở đâu?
- Thời hạn phê duyệt kế hoạch cải tạo nhà chung cư? Tiêu chí đánh giá chất lượng nhà chung cư để đưa vào kế hoạch được xác định theo quy trình nào?
- Quy trình đánh giá Đảng viên cuối năm 2024? Quy trình đánh giá xếp loại Đảng viên cuối năm 2024 thế nào?
- Khối lượng của loại vàng miếng SJC do cơ quan nào quyết định? Quy trình gia công vàng miếng SJC từ vàng của Ngân hàng Nhà nước?
- Mẫu phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên mầm non mới nhất? Tải về tại đâu?