Điện thoại đe dọa tính mạng của phóng viên có thể xử phạt tù hay không? Nếu có thì tối đa bao nhiêu năm?
- Người có hành vi điện thoại đe dọa tính mạng của phóng viên có thể bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Điện thoại đe dọa tính mạng của phóng viên có thể xử phạt tù về tội đe dọa giết người hay không? Nếu có thì tối đa bao nhiêu năm?
- Thời hiệu thi hành bản án đối với người bị kết án về tội đe dọa giết người là bao nhiêu năm?
Người có hành vi điện thoại đe dọa tính mạng của phóng viên có thể bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Theo khoản 4 Điều 7 Nghị định 119/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm d khoản 9 Điều 2 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định như sau:
Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí
...
4. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này;
b) Buộc trả lại phương tiện, tài liệu thu giữ trái phép đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.
Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính như sau:
Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt
...
2. Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại các Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điều 6 Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân.
Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Như vậy, người có hành vi điện thoại đe dọa tính mạng của phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điện thoại đe dọa tính mạng của phóng viên có thể xử phạt tù về tội đe dọa giết người hay không? Nếu có thì tối đa bao nhiêu năm?
Theo Điều 133 Bộ luật Hình sự 2015 quy định khung hình phạt đối với tội đe doạ giết người như sau:
Khung 01: Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Khung 02: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
- Đối với 02 người trở lên;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
- Đối với người dưới 16 tuổi;
- Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.
Như vậy, nếu hành vi đe dọa tính mạng của phóng viên đủ yếu tố cấu thành tội đe dọa giết người theo quy định nêu trên thì có thể bị xử phạt tù đến tối đa 07 năm.
Điện thoại đe dọa tính mạng của phóng viên có thể xử phạt tù hay không? Nếu có thì tối đa bao nhiêu năm? (Hình từ Internet)
Thời hiệu thi hành bản án đối với người bị kết án về tội đe dọa giết người là bao nhiêu năm?
Theo khoản 2 Điều 60 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về thời hiệu thi hành bản án như sau:
Thời hiệu thi hành bản án
1. Thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên.
2. Thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với người bị kết án được quy định như sau:
a) 05 năm đối với các trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù từ 03 năm trở xuống;
b) 10 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 03 năm đến 15 năm;
c) 15 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 15 năm đến 30 năm;
d) 20 năm đối với các trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc tử hình.
3. Thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với pháp nhân thương mại là 05 năm.
4. Thời hiệu thi hành bản án hình sự được tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì thời hiệu tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
5. Trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người bị kết án cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ ngày người đó ra trình diện hoặc bị bắt giữ.
Theo đó, thời hiệu thi hành bản án đối với người bị kết án về tội đe dọa giết người được xác định như sau:
- Đối với các trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù từ 03 năm trở xuống thì thời hiệu thi hành bản án là 05 năm.
- Đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 03 năm đến 15 năm thì thời hiệu thi hành bản án là 10 năm.
Huỳnh Lê Bình Nhi
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Phóng viên có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do trạm y tế xã thực hiện do Bộ Y tế ban hành mới nhất?
- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo của Bộ Tư pháp có 02 năm liên tiếp được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ có bị cho thôi việc?
- Từ ngày 1/1/2025, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện hoạt động theo nguyên tắc nào?
- Người làm chứng trong tố tụng dân sự là ai? Người làm chứng được từ chối khai báo lời khai không?
- Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo nhà chung cư phải được công bố công khai ở đâu?