Điều hành giá vàng trong nước, không để chênh lệch với giá vàng thế giới ở mức cao là trách nhiệm của NHNN đúng không?
Điều hành giá vàng trong nước, không để tình trạng chênh lệch với giá vàng thế giới ở mức cao là trách nhiệm của NHNN đúng không?
Theo quy định tại tiểu mục b Mục 1 Công điện 1426/CĐ-TTg năm 2023, trong tình hình thị trường vàng thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, giá vàng tăng nhanh, biến động mạnh tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.
Để ổn định và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô.
Như vậy, điều hành giá vàng trong nước, không để tình trạng chênh lệch với giá vàng thế giới ở mức cao là một nhiệm vụ mà Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện.
Nhiệm vụ theo dõi chặt chẽ diễn biến giá vàng thế giới và giá vàng trong nước trong nước để kịp thời thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện này còn được nhấn mạnh tại Nghị quyết 20/NQ-CP năm 2024 về nhiệm vụ cụ thể giao các Bộ, cơ quan, địa phương.
Điều hành giá vàng trong nước, không để chênh lệch với giá vàng thế giới ở mức cao là trách nhiệm của NHNN đúng không? (Hình từ Internet)
NHNN can thiệp, bình ổn giá vàng trong nước thông qua các biện pháp nào?
Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 24/2012/NĐ-CP, trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước chính là cơ quan có trách nhiệm thực hiện can thiệp, bình ổn thị trường vàng khi giá vàng tăng cao, biến động mạnh thông qua các biện pháp sau đây:
- Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 24/2012/NĐ-CP, cụ thể căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ và cung - cầu vàng trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện việc xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp theo quy định tại Điều này.
- Tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng thông qua việc quyết định hạn mức, thời điểm sản xuất và phương thức thực hiện sản xuất vàng miếng phù hợp trong từng thời kỳ. Chi phí tổ chức sản xuất vàng miếng được hạch toán vào chi phí hoạt động của Ngân hàng Nhà nước.
- Thực hiện mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước và tổ chức huy động vàng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng phải tuân thủ những nguyên tắc nào?
Nguyên tắc quản lý hoạt động kinh doanh vàng được quy định tại Điều 4 Nghị định 24/2012/NĐ-CP như sau:
(1) Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật.
(2) Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP.
(3) Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
(4) Quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhằm phát triển ổn định và bền vững thị trường vàng, bảo đảm hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu theo quy định của pháp luật.
(5) Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vàng phải tuân thủ các quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
(6) Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
(7) Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
(8) Hoạt động phái sinh về vàng của các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo Điều 105 Luật Các tổ chức tín dụng 2010.
(9) Các hoạt động kinh doanh vàng khác, trừ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng, hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu trong nước của doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ và các hoạt động quy định tại mục 6, 7, 8, là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh.
Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép.
Nguyễn Quốc Bảo
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Giá vàng có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kết chuyển lãi lỗ đầu năm là gì? Tài khoản 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối Thông tư 200 phản ánh nội dung gì?
- Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải công khai thông tin gì cho khách hàng? Có cần xin chấp thuận trước khi sáp nhập hay không?
- Phải nộp hồ sơ đề nghị gia hạn trước khi hết thời hạn sử dụng đất mấy tháng? Thời hạn sử dụng đất đối với đất sử dụng có thời hạn là bao lâu?
- Cập nhật các văn bản pháp luật về xuất nhập khẩu mới nhất? Tải Luật thuế xuất nhập khẩu PDF hiện nay?
- Sự ra đời của Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc? Thời gian tổ chức Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 18 11?