Điều kiện để cá nhân đăng ký thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam? Loại thuốc bảo vệ thực vật nào không được phép đăng ký ở Việt Nam?
- Điều kiện để cá nhân đăng ký thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam? Có được thay đổi tên nhà sản xuất ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật không?
- Loại thuốc bảo vệ thực vật nào không được phép đăng ký ở Việt Nam?
- Cá nhân làm giả Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật bị xử lý ra sao?
Điều kiện để cá nhân đăng ký thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam? Có được thay đổi tên nhà sản xuất ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật không?
Thuốc bảo vệ thực vật (Hình từ Internet)
Căn cứ theo Điều 50 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT quy định tổ chức, cá nhân được đăng ký thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam như sau:
+ Tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài (có văn phòng đại diện, công ty, chi nhánh công ty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật đang được phép hoạt động tại Việt Nam) sản xuất hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật (sau đây gọi là hoạt chất), thuốc bảo vệ thực vật kỹ thuật (sau đây gọi là thuốc kỹ thuật) hoặc thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm từ thuốc kỹ thuật (sau đây gọi là thuốc thành phẩm) được trực tiếp đứng tên đăng ký thuốc bảo vệ thực vật do mình sản xuất.
+ Tổ chức, cá nhân sản xuất hoạt chất, thuốc kỹ thuật hoặc thuốc thành phẩm không trực tiếp đứng tên đăng ký được ủy quyền cho duy nhất 01 tổ chức, cá nhân đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 50 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 đứng tên đăng ký mỗi loại thuốc bảo vệ thực vật của mình.
+ Mỗi tổ chức, cá nhân được ủy quyền đứng tên đăng ký được nhận ủy quyền duy nhất của 01 nhà sản xuất hoạt chất, thuốc kỹ thuật hoặc thuốc thành phẩm cho mỗi loại hoạt chất, thuốc kỹ thuật hoặc thuốc thành phẩm.
+ Tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký:
- Được đăng ký 01 tên thương phẩm cho mỗi hoạt chất, thuốc kỹ thuật hoặc thuốc thành phẩm để phòng, trừ sinh vật gây hại hoặc điều hòa sinh trưởng cây trồng. Trường hợp các hoạt chất, thuốc kỹ thuật hoặc thuốc thành phẩm này dùng để khử trùng kho; bảo quản thực vật; trừ mối hại công trình xây dựng, đê điều; thuốc xử lý hạt giống phải đăng ký thêm 01 tên thương phẩm khác;
- Chỉ đăng ký 01 hàm lượng hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc bảo vệ thực vật;
- Được chuyển nhượng tên thương phẩm, việc chuyển nhượng phải đảm bảo các quy định tại khoản 2, 3, 4 và điểm a, b khoản 5 Điều 5 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT;
- Không thay đổi tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sở hữu trí tuệ hoặc tòa án có kết luận bằng văn bản về việc vi phạm nhãn hiệu hàng hóa của tên thương phẩm trong Danh mục;
- Được thay đổi nhà sản xuất ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật trong trường hợp nhà sản xuất ngừng cung cấp sản phẩm hoặc có sự thỏa thuận chấm dứt ủy quyền bằng văn bản giữa nhà sản xuất và tổ chức, cá nhân được ủy quyền.
+ Sau 05 năm kể từ ngày tổ chức, cá nhân đăng ký đầu tiên được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chính thức cho thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất chưa có trong Danh mục, các tổ chức, cá nhân khác mới được nộp hồ sơ đăng ký bổ sung tên thương phẩm mới cho thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất đó.
Như vậy, cá nhân muốn đăng ký thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam thì vẫn được và phải cần đáp ứng các yêu cầu được quy định nêu trên của pháp luật.
Tổ chức, cá nhân được phép thay đổi tên nhà sản xuất ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật trong trường hợp sau:
+ Nhà sản xuất ngừng cung cấp sản phẩm
+ Có sự thỏa thuận chấm dứt ủy quyền bằng văn bản giữa nhà sản xuất và tổ chức, cá nhân được ủy quyền.
Loại thuốc bảo vệ thực vật nào không được phép đăng ký ở Việt Nam?
Căn cứ theo Điều 6 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT quy định các loại thuốc bảo vệ thực vật không được phép đăng ký ở Việt Nam bao gồm các loại như sau:
(1) Thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng ở Việt Nam (sau đây gọi là Danh mục cấm).
(2) Thuốc thành phẩm hoặc hoạt chất trong thuốc thành phẩm có độc cấp tính loại I, II theo phân loại của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS), trừ thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc bảo vệ thực vật dùng để xông hơi khử trùng, thuốc trừ chuột; thuốc trừ mối hại công trình xây dựng, đê điều; thuốc bảo quản lâm sản mà lâm sản đó không dùng làm thực phẩm và dược liệu.
(3) Thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ cao ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường, gồm:
+ Thuốc bảo vệ thực vật được cảnh báo bởi Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Y tế thế giới (WHO); Thuốc bảo vệ thực vật có trong Phụ lục III của Công ước Rotterdam;
+ Thuốc bảo vệ thực vật hoá học là hỗn hợp của các loại thuốc bảo vệ thực vật có công dụng khác nhau (trừ sâu, trừ cỏ, trừ bệnh, điều hoà sinh trưởng) trừ thuốc xử lý hạt giống;
+ Thuốc bảo vệ thực vật chứa vi sinh vật gây bệnh cho người;
+ Thuốc bảo vệ thực vật gây đột biến gen, ung thư, độc sinh sản cho người;
+ Thuốc bảo vệ thực vật hóa học đăng ký phòng trừ sinh vật gây hại thực vật hoặc điều hoà sinh trưởng cho cây ăn quả, cây chè, cây rau hoặc để bảo quản nông sản sau thu hoạch có độ độc cấp tính của hoạt chất hoặc thành phẩm thuộc loại III, IV theo GHS; thuộc nhóm clo hữu cơ; có thời gian cách ly ở Việt Nam trên 07 ngày.
(4) Thuốc bảo vệ thực vật trùng tên thương phẩm với tên hoạt chất hoặc tên thương phẩm của thuốc bảo vệ thực vật khác trong Danh mục.
(5) Thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất methyl bromide.
(6) Thuốc bảo vệ thực vật đăng ký để phòng trừ các loài sinh vật không phải là sinh vật gây hại thực vật ở Việt Nam.
(7) Thuốc bảo vệ thực vật được sáng chế ở nước ngoài nhưng chưa được phép sử dụng ở nước ngoài.
Cá nhân làm giả Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật bị xử lý ra sao?
Căn cứ theo Điều 30 Nghị định 31/2016/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 2 Nghị định 07/2022/NĐ-CP) quy định mức xử phạt vi phạm hành chính quy định quản lý giấy phép, Giấy chứng nhận về bảo vệ và kiểm dịch thực vật như sau:
Vi phạm quy định quản lý giấy phép, Giấy chứng nhận về bảo vệ và kiểm dịch thực vật
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung các loại giấy tờ sau:
a) Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật;
b) Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;
c) Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật;
d) Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu, Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa;
đ) Giấy chứng nhận đủ Điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật; Giấy chứng nhận đủ Điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật;
e) Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;
g) Thẻ hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;
h) Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước chất lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu.
i) Văn bản của Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận về hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm làm giả các loại giấy tờ, hồ sơ đề nghị cấp các loại giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi dùng thuốc bảo vệ thực vật sai Mục đích ghi trong Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại giấy phép đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Buộc thu hồi và tiêu hủy các loại giấy tờ, hồ sơ đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này.
Theo đó, đối với hành vi làm giả Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật của cá nhân nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thu hồi và tiêu hủy Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật làm giả.
Huỳnh Lê Bình Nhi
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Thuốc bảo vệ thực vật có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu cho phép đối với các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc theo Thông tư 38/2024 thế nào?
- Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có tư cách pháp nhân không? Nguồn thu hoạt động sự nghiệp của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai?
- Có được phép chuyển đổi công năng nhà ở từ nhà ở phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội hay không?
- Việc bán lâm sản khai thác tận dụng đối với rừng trồng có giá trị lâm sản có phải hình thức thanh lý rừng trồng không?
- Sơ cấp lý luận chính trị là gì? Tốt nghiệp trung học cơ sở có được học sơ cấp lý luận chính trị không?