Doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác vay được không? Nếu được thì cho vay bằng tiền mặt hay các hình thức khác theo quy định của pháp luật?
Doanh nghiệp thực hiện các giao dịch bằng tiền mặt được không?
Theo Điều 3 và Điều 4 Thông tư 09/2015/TT-BTC quy định về giao dịch tài chính của doanh nghiệp như sau:
* Hình thức thanh toán trong giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác
- Các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác.
- Khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp sử dụng các hình thức sau:
+ Thanh toán bằng Séc;
+ Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;
+ Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.
- Doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác bằng tài sản (không phải bằng tiền) thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
* Hình thức thanh toán trong giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau giữa các doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng
- Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng (là các doanh nghiệp không thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng) khi thực hiện các giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau sử dụng các hình thức thanh toán được quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này.
- Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng khi thực hiện giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau bằng tài sản (không phải bằng tiền), đối trừ công nợ, chuyển giao nghĩa vụ nợ thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Căn cứ các quy định trên, giao dịch tài chính thực hiện giữa các doanh nghiệp (không phải tổ chức tín dụng) phải bằng tài sản theo quy định, không được sử dụng tiền mặt.
Doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác vay
Doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác vay thực hiện như thế nào?
Doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác vay dưới hình thức hợp đồng vay tài sản theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
"Điều 463. Hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định."
Nghĩa vụ của doanh nghiệp cho vay và doanh nghiệp vay được thực hiện theo quy định tại Điều 465 và Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
* Nghĩa vụ của bên cho vay
- Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận.
- Bồi thường thiệt hại cho bên vay, nếu bên cho vay biết tài sản không bảo đảm chất lượng mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó.
- Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Điều 470 Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan quy định khác.
* Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
- Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
- Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
- Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
+ Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật này;
+ Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Doanh nghiệp cho vay với lãi suất cao hơn quy định có được không?
Theo Điều 9 và Điều 10 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP quy định về trường hợp xử lý đối với mức lãi suất cao hơn quy định và việc điều chỉnh lãi suất, cụ thể như sau:
* Xử lý thỏa thuận về lãi, lãi suất cao hơn mức lãi, lãi suất được pháp luật quy định theo Điều 9 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP:
Hợp đồng vay tài sản có thỏa thuận về lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn cao hơn mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn được pháp luật quy định thì mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn vượt quá không có hiệu lực; số tiền lãi đã trả vượt quá mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn quy định được trừ vào số tiền nợ gốc tại thời điểm trả lãi; số tiền lãi đã trả vượt quá còn lại sau khi đã trừ hết nợ gốc thì được trả lại cho bên vay.
* Điều chỉnh lãi, lãi suất theo Điều 10 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP:
Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi, lãi suất cho vay thì lãi, lãi suất cho vay được xác định theo thỏa thuận của các bên và văn bản quy phạm pháp luật quy định về lãi, lãi suất có hiệu lực tại thời điểm điều chỉnh lãi, lãi suất.
Theo quy định trên, việc doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác vay với mức lãi suất cao hơn quy định thì phần lãi suất vượt quá đó không có hiệu lực. Việc doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh lãi suất được quy định tại Điều 10 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP.
Như vậy, việc cho vay giữa doanh nghiệp với nhau theo quy định của pháp luật là không cấm tuy nhiên phải theo các hình thức cụ thể, không được cho vay bằng tiền mặt. Việc vay tiền này thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Trường hợp cho vay với mức lãi suất cao hơn mức pháp luật quy định thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Trần Thị Huyền Trân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác vay có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Có phải đăng ký biến động quyền sử dụng đất khi người sử dụng đất thế chấp quyền sử dụng đất không?
- Người điều khiển ô tô có được dừng xe song song với xe khác không? Nếu không được thì có bị phạt không? Phạt bao nhiêu?
- Kết chuyển lãi lỗ đầu năm là gì? Tài khoản 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối Thông tư 200 phản ánh nội dung gì?
- Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải công khai thông tin gì cho khách hàng? Có cần xin chấp thuận trước khi sáp nhập hay không?
- Phải nộp hồ sơ đề nghị gia hạn trước khi hết thời hạn sử dụng đất mấy tháng? Thời hạn sử dụng đất đối với đất sử dụng có thời hạn là bao lâu?