Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm muốn thay đổi tên có cần sự chấp thuận của Bộ Tài chính không? Hồ sơ thay đổi tên của doanh nghiệp bảo hiểm gồm những gì?
Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm muốn thay đổi tên có cần sự chấp thuận của Bộ Tài chính không?
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 136 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định như sau:
Những thay đổi phải được chấp thuận hoặc phải thông báo
1. Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản trước khi thay đổi một trong các nội dung sau đây:
a) Tên, địa điểm đặt trụ sở chính;
b) Mức vốn điều lệ;
c) Nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động;
d) Chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp dẫn đến có cổ đông, thành viên góp vốn sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên hoặc giảm xuống dưới 10% vốn điều lệ;
đ) Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;
e) Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp; mở chi nhánh, văn phòng đại diện và các hình thức hiện diện thương mại khác tại nước ngoài.
...
Theo quy định trên, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm muốn thay đổi tên phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản.
Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm muốn thay đổi tên có cần sự chấp thuận của Bộ Tài chính không? (Hình từ internet)
Hồ sơ thay đổi tên của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm bao gồm những gì?
Căn cứ Điều 66 Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định về thay đổi tên, địa điểm đặt trụ sở chính của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm như sau:
Thay đổi tên, địa điểm đặt trụ sở chính của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm
1. Hồ sơ thay đổi tên, địa điểm đặt trụ sở chính của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm bao gồm các tài liệu sau:
a) Văn bản đề nghị thay đổi tên, địa điểm đặt trụ sở chính theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Văn bản của cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều lệ công ty về việc thay đổi tên, địa điểm đặt trụ sở chính;
c) Bằng chứng về quyền sử dụng địa điểm đặt trụ sở chính (đối với việc thay đổi trụ sở chính).
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận. Trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính phải có văn bản giải thích rõ lý do.
Như vậy, hồ sơ thay đổi tên của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm bao gồm:
- Văn bản đề nghị thay đổi tên theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 46/2023/NĐ-CP tải về;
- Văn bản của cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều lệ công ty về việc thay đổi tên.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận. Trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính phải có văn bản giải thích rõ lý do.
Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có những quyền và nghĩa vụ gì?
Căn cứ quy định tại Điều 137 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có quyền và nghĩa vụ sau đây:
* Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có các quyền sau đây:
- Hưởng hoa hồng môi giới bảo hiểm gốc, hoa hồng môi giới tái bảo hiểm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
- Thu từ cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm;
- Thu từ thực hiện các công việc khác liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của bên mua bảo hiểm;
- Quyền khác theo quy định của pháp luật.
* Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có các nghĩa vụ sau đây:
- Bảo mật thông tin do khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam cung cấp, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được sự đồng ý của khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;
- Bồi thường thiệt hại cho khách hàng do hoạt động môi giới bảo hiểm gây ra;
- Công khai thông tin cho khách hàng các nội dung theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
- Hạch toán và theo dõi tách biệt các khoản thu hộ, chi hộ doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;
- Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp phù hợp với hoạt động môi giới bảo hiểm;
- Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
* Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không được thực hiện các hành vi sau đây:
- Ngăn cản bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cung cấp các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hoặc xúi giục bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm không kê khai các chi tiết liên quan đến hợp đồng bảo hiểm;
- Khuyến mại dưới hình thức hứa hẹn cung cấp các quyền lợi bất hợp pháp để xúi giục khách hàng giao kết hợp đồng bảo hiểm;
- Xúi giục bên mua bảo hiểm hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm đang có hiệu lực để mua hợp đồng bảo hiểm mới;
- Tư vấn cho khách hàng mua bảo hiểm tại một doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài với các điều kiện, điều khoản kém cạnh tranh hơn so với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài khác nhằm thu được hoa hồng môi giới cao hơn;
- Cung cấp cho khách hàng thông tin sai lệch, không phù hợp nội dung điều kiện, điều khoản bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hội Cựu chiến binh Việt Nam có phải là tổ chức chính trị - xã hội? Ai được tham gia Hội Cựu chiến binh Việt Nam?
- Cách viết Bản kiểm điểm tập thể chi bộ cuối năm 2024 mới nhất? Mẫu Bản kiểm điểm tập thể chi bộ cuối năm 2024 ra sao?
- Tổng hợp mẫu phiếu bầu trong đại hội Đoàn các cấp chuẩn Hướng dẫn 66? Thực hiện chương trình Đại hội đoàn như nào?
- Cách viết Báo cáo kiểm điểm tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy cấp huyện, tỉnh mới nhất? Tải về báo cáo kiểm điểm tập thể cuối năm?
- Giải quyết chính sách cán bộ dôi dư khi sắp xếp lại đơn vị hành chính? Xử lý như nào khi cán bộ đang trong thời hạn bổ nhiệm?