Doanh nghiệp nhỏ và vừa có được hỗ trợ đào tạo khởi sự kinh doanh không? Nếu được, nguồn kinh phí được lấy từ đâu?
- Doanh nghiệp có quy mô như thế nào được xem là doanh nghiệp nhỏ và vừa?
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa có được hỗ trợ đào tạo khởi sự kinh doanh không?
- Kinh phí cho việc hỗ trợ đào tạo khởi sự kinh doanh đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa được lấy từ đâu?
- Tổ chức khóa đào tạo khởi sự kinh doanh gồm những khoản chi nào?
Doanh nghiệp có quy mô như thế nào được xem là doanh nghiệp nhỏ và vừa?
Doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo Điều 4 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, tiêu chí để xác định một doanh nghiệp được xem là doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm:
“Điều 4. Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa
1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau đây:
a) Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng;
b) Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.
2. Doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa được xác định theo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
Điều này được hướng dẫn cụ thể bởi Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP như sau:
(1) Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.
(2) Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
(3) Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Vì bạn chưa nêu cụ thể lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp bạn cũng như tổng doanh thu một năm mà doanh nghiệp bạn có được nên chưa thể xác định rõ doanh nghiệp của bạn có thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa hay không. Bạn có thể căn cứ vào các tiêu chí trên đây để xác định cụ thể, thuận tiện hơn trong quá trình áp dụng các quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa có được hỗ trợ đào tạo khởi sự kinh doanh không?
Điều 2 Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định rõ: nếu doanh nghiệp của bạn đáp ứng được các tiêu chí quy định tại Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP, thì doanh nghiệp của bạn thuộc đối tượng được hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.
Điểm a khoản 1 Điều 1 Thông tư 49/2019/TT-BTC quy định:
“1. Thông tư này hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV (sau đây viết tắt là Nghị định số 39/2018/NĐ-CP). Bao gồm:
a) Hỗ trợ đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp (cơ bản và chuyên sâu);”
Điều này cho thấy, việc hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực bao gồm việc hỗ trợ đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp (cả cơ bản và chuyên sâu). Do đó, nếu doanh nghiệp của bạn thuộc nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật thì đồng nghĩa với việc doanh nghiệp của bạn được hỗ trợ đào tạo khởi sự kinh doanh.
Kinh phí cho việc hỗ trợ đào tạo khởi sự kinh doanh đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa được lấy từ đâu?
Điều 3 Thông tư 49/2019/TT-BTC quy định về nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau:
“Điều 3. Nguồn kinh phí thực hiện
Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực DNNVV gồm hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương), đóng góp và hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
1. Nguồn ngân sách nhà nước:
a) Ngân sách trung ương: Bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các Bộ, cơ quan ngang bộ; hoặc hỗ trợ cho các tổ chức hiệp hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực DNNVV.
b) Ngân sách địa phương: Bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của địa phương để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực DNNVV tại địa phương.
2. Các DNNVV, cá nhân tham gia đào tạo đóng góp một phần kinh phí.
3. Các cơ quan, đơn vị huy động các nguồn tài chính khác (ngoài nguồn ngân sách nhà nước) của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực DNNVV.”
Cụ thể, khoản 1, 2 Điều 7 Thông tư 49/2019/TT-BYT quy định kinh phí dành cho việc tổ chức khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như sau:
(1) Tổng chi phí tổ chức khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là tổng các khoản chi phát sinh thực tế theo nội dung chi quy định tại Điều 6 Thông tư này.
(2) Tổng chi phí tổ chức khóa đào tạo quy định tại khoản 1 Điều này được chi trả từ các nguồn:
a) Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương) theo mức quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP và quy định tại Thông tư này như sau:
- Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong tổng chi phí tổ chức một khóa đào tạo khởi sự kinh doanh tối đa là 100%, quản trị doanh nghiệp cơ bản tối đa là 70% và quản trị doanh nghiệp chuyên sâu là 50%.
- Định mức chi của từng nội dung chi trong một khóa đào tạo để xác định số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và viên chức và theo nguyên tắc:
+ Đối với các nội dung chi có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, định mức (chi cho giảng viên, báo cáo viên; biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu bồi dưỡng; nước uống, giải khát; khen thưởng học viên; chi ra đề thi, coi thi, chấm thi; công tác phí) phải thực hiện theo đúng chế độ quy định. Riêng giảng viên, báo cáo viên nước ngoài, việc xác định số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ thù lao giảng dạy, chi phí đi lại, ăn, ở áp dụng như đối với giảng viên, báo cáo viên trong nước.
+ Đối với các nội dung chi chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, định mức: căn cứ theo hợp đồng, hóa đơn, chứng từ chi tiêu thực tế, hợp lý, hợp pháp theo quy định của pháp luật.
b) Chi phí còn lại (bằng tổng chi phí tổ chức một khóa đào tạo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ đi số hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy định tại tiết a khoản 2 Điều này) được chi trả từ các nguồn:
- Kinh phí tài trợ, huy động từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho khóa đào tạo (nếu có).
- Học phí do học viên đóng góp. Khuyến khích đơn vị đào tạo tận dụng tối đa nguồn kinh phí tài trợ, huy động được để giảm học phí cho học viên tham gia khóa đào tạo.
Có thể thấy, nguồn kinh phí sử dụng cho việc thực hiện chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực nói chung và hỗ trợ đào tạo khởi sự kinh doanh nói riêng được pháp luật quy định một cách cụ thể, hợp lý để các doanh nghiệp có thể thuận tiện hơn trong quá trình áp dụng.
Tổ chức khóa đào tạo khởi sự kinh doanh gồm những khoản chi nào?
Điều 6 Thông tư 49/2019/TT-BTC quy định nội dung chi tổ chức khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp tính trong tổng chi phí được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như sau:
(1) Chi phục vụ trực tiếp khóa đào tạo:
a) Các khoản chi chung:
- Chi phí chiêu sinh: gọi điện thoại, gửi thư mời, đăng thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Chi cho giảng viên, báo cáo viên: thù lao giảng dạy (bao gồm cả thù lao soạn giáo án bài giảng), chi phí ăn, ở, đi lại.
- Chi in ấn, photo, mua tài liệu học tập theo nội dung chương trình khóa đào tạo cho học viên (không bao gồm tài liệu tham khảo).
- Chi thuê hội trường, phòng học, máy chiếu, thiết bị phục vụ học tập.
- Chi nước uống, giải khát giữa giờ; văn phòng phẩm.
- Chi phí cho lễ khai giảng, bế giảng.
- Chi khác phục vụ trực tiếp lớp học (điện, nước, vệ sinh, trông giữ xe, quay phim, chụp ảnh tư liệu và các khoản chi trực tiếp khác).
b) Ngoài các khoản chi chung quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, đối với khóa đào tạo quản trị doanh nghiệp (cơ bản và chuyên sâu) có các khoản chi sau:
- Chi tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập (ra đề thi, coi thi, chấm thi).
- Chi tổ chức cho học viên đi khảo sát, thực tế trong nước (nếu có): thuê phương tiện đưa, đón học viên; bồi dưỡng báo cáo viên tham gia chia sẻ kinh nghiệm tại buổi khảo sát, thực tế.
- Chi phí cấp chứng nhận đã tham gia khóa đào tạo.
- Đối với khóa đào tạo quản trị doanh nghiệp chuyên sâu, tùy theo mức độ cần thiết có thể mời giảng viên, báo cáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy thì ngoài chi thù lao giảng dạy, tiền ăn, ở, đi lại, có thêm chi phí phiên dịch, biên dịch tài liệu.
(2) Chi hoạt động quản lý một khóa đào tạo của đơn vị đào tạo (không vượt quá 10% chi phí tổ chức một khóa đào tạo), gồm:
- Công tác phí cho cán bộ quản lý lớp của đơn vị đào tạo trong trường hợp phải tổ - chức lớp học ở xa đơn vị đào tạo.
- Làm thêm giờ của cán bộ quản lý lớp (nếu có); tổ chức các cuộc họp nhằm triển khai khóa đào tạo.
- Các khoản chi khác để phục vụ quản lý, điều hành lớp học: thông tin liên lạc, đi khảo sát địa bàn để tổ chức lớp.
Như vậy, nếu doanh nghiệp bạn đáp ứng đủ các tiêu chí để được xem là một doanh nghiệp nhỏ và vừa thì dựa vào các quy định vừa nêu, doanh nghiệp bạn có thể được hỗ trợ đào tạo khởi sự kinh doanh với nguồn kinh phí và nội dung các khoản chi cụ thể nói trên.
Trần Hồng Oanh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đua xe trái phép gây chết người có thể bị phạt tù đối với những tội nào? Con cái đua xe gây chết người thì cha mẹ giao xe có bị truy cứu hình sự?
- Trình độ chuẩn với giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh trường đại học? Chế độ bồi dưỡng giờ giảng đối với giảng viên?
- Luật ngân sách nhà nước mới nhất? Có những văn bản nào hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước mới nhất?
- Mua trả chậm là gì? Nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua trả chậm được quy định thế nào theo pháp luật hiện nay?
- Bài tuyên truyền Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18 11? Bài tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 2024?