Đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng? Thuế suất thuế giá trị gia tăng theo Đề cương Dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng như thế nào?

Cho tôi hỏi, đối tượng nào không chịu thuế giá trị gia tăng và thuế suất thuế giá trị gia tăng sẽ thế nào theo đề xuất mới nhất? - Ngọc Hà (Đồng Nai)

Đối tượng nào không chịu thuế giá trị gia tăng theo đề xuất mới nhất?

Theo Điều 5 Đề cương dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng Tải sửa đổi quy định về dịch vụ, hàng hóa không thuộc đối tượng chịu thuế như sau:

Đối tượng không chịu thuế:
1. Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.
Doanh nghiệp, hợp tác xã mua sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã khác thì không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
2. Sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng, bao gồm trứng giống, con giống, cây giống, hạt giống, tinh dịch, phôi, vật liệu di truyền.
3. Tưới, tiêu nước; cày, bừa đất; nạo vét kênh, mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp; dịch vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.
3a. Phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác.
4. Sản phẩm muối được sản xuất từ nước biển, muối mỏ tự nhiên, muối tinh, muối i-ốt mà thành phần chính là Na-tri-clo-rua (NaCl).
5. Nhà ở thuộc sở hữu nhà nước do Nhà nước bán cho người đang thuê.
6. Chuyển quyền sử dụng đất.
7. Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm người học, các dịch vụ bảo hiểm khác liên quan đến con người; bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm cây trồng, các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác; bảo hiểm tàu, thuyền, trang thiết bị và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ trực tiếp đánh bắt thủy sản; tái bảo hiểm.
8. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán sau đây:
a) Dịch vụ cấp tín dụng bao gồm: cho vay; chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác; bảo lãnh; cho thuê tài chính; phát hành thẻ tín dụng; bao thanh toán trong nước; bao thanh toán quốc tế; hình thức cấp tín dụng khác theo quy định của pháp luật;
b) Dịch vụ cho vay của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng;
c) Kinh doanh chứng khoán bao gồm: môi giới chứng khoán; tự doanh chứng khoán; bảo lãnh phát hành chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán; lưu ký chứng khoán; quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; hoạt động kinh doanh chứng khoán khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
d) Chuyển nhượng vốn bao gồm: chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư, kể cả trường hợp bán doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác để sản xuất, kinh doanh, chuyển nhượng chứng khoán; hình thức chuyển nhượng vốn khác theo quy định của pháp luật;
đ) Bán nợ;
e) Kinh doanh ngoại tệ;
g) Dịch vụ tài chính phái sinh bao gồm: hoán đổi lãi suất; hợp đồng kỳ hạn; hợp đồng tương lai; quyền chọn mua, bán ngoại tệ; dịch vụ tài chính phái sinh khác theo quy định của pháp luật;
h) Bán tài sản bảo đảm của khoản nợ của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
9. Dịch vụ y tế, dịch vụ thú y, bao gồm dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh cho người và vật nuôi; dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật.
.........

Như vậy, định hướng theo Đề cương Dự thảo Luật thuế Giá trị gia tăng thì những loại hàng hóa, dịch vụ kể trên sẽ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng? Thuế suất thuế giá trị gia tăng theo Đề cương dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng? (Hình ảnh từ Internet)

Sự thay đổi về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng được định hướng như thế nào?

Theo đó, định hướng sửa đổi, bổ sung một số hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng theo hướng:

- Giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ đang thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng như: phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và In-ter-net phổ cập; dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng;...

- Sửa đổi, bổ sung một số nhóm hàng hóa, dịch vụ để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính như: các khoản phí tại Hợp đồng vay vốn giữa Chính phủ Việt Nam với Bên cho vay nước ngoài; sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản; hoạt động duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân; dạy học, dạy nghề; hàng hóa nhập khẩu ủng hộ, tài trợ cho phòng chống thiên tai, thảm họa dịch bệnh, chiến tranh; phần mềm máy tính; mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT của hộ, cá nhân kinh doanh; hàng hóa do Công ty cho thuê tài chính nhập khẩu để cho thuê tài chính; tài sản, hàng hóa của tổ chức, cá nhân không kinh doanh; chuyển nhượng dự án đầu tư, bán tài sản;...

- Sửa đổi, bổ sung một số nhóm hàng hóa, dịch vụ nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật như: tài sản di chuyển; hàng hóa mua bán trao đổi của cư dân biên giới; vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh; hàng hóa trung chuyển; kinh doanh chứng khoán; giống cây trồng;...

Định hướng thuế suất thuế giá trị gia tăng như thế nào theo Đề cương Dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng như thế nào?

Quy định tại Điều 8 Đề cương Dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng Tải sửa đổi thuế suất thuế giá trị gia tăng như sau:

Thuế suất
1. Mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế và hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều 5 của Luật này khi xuất khẩu, trừ các trường hợp sau đây:
a) Chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài;
b) Dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài;
c) Dịch vụ cấp tín dụng;
d) Chuyển nhượng vốn;
đ) Dịch vụ tài chính phái sinh;
e) Dịch vụ bưu chính, viễn thông;
g) Sản phẩm xuất khẩu quy định tại khoản 23 Điều 5 của Luật này.
Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của Chính phủ.
2. Mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ sau đây:
a) Nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt;
b) Quặng để sản xuất phân bón; thuốc phòng trừ sâu bệnh và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng;
c) Dịch vụ đào đắp, nạo vét kênh, mương, ao hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp;
........
3. Mức thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Như vậy, mức thuế suất thuế giá trị gia tăng được định hướng theo nội dung đề xuất nêu trên.

Định hướng thay đổi thuế suất thuế giá trị gia tăng ra sao?

Định hướng sửa đổi, bổ sung quy định về thuế suất thuế giá trị gia tăng theo hướng:

- Giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế GTGT ở mức thuế suất 5% thuộc các lĩnh vực đã được xã hội hóa mạnh mẽ để bình đẳng với ngành nghề, lĩnh vực thông thường khác như: hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim;...

- Sửa đổi, bổ sung thuế suất của một số nhóm hàng hóa, dịch vụ nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính như: hàng hóa bán tại khu vực cách ly; hàng bán tại cửa hàng miễn thuế; thiết bị, dụng cụ y tế; giáo cụ dùng để học tập; thực phẩm tươi sống;...

- Sửa đổi, bổ sung quy định về dịch vụ xuất khẩu để phù hợp với thông lệ quốc tế.

- Bổ sung quy định về nguyên tắc xác định thuế suất để đảm bảo minh bạch chính sách, tạo thuận lợi trong thực hiện.

- Điều chỉnh thuế suất thuế giá trị gia tăng theo lộ trình sau khi nền kinh tế ổn định.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thuế giá trị gia tăng

Ngô Thị Hoàn

Thuế giá trị gia tăng
Căn cứ pháp lý
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Thuế giá trị gia tăng có thể đặt câu hỏi tại đây.

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào