Đối với nhãn hiệu nổi tiếng chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì có được công nhận quyền sở hữu và được bảo hộ hay không?
Đối với nhãn hiệu nổi tiếng chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì có được công nhận quyền sở hữu và được bảo hộ hay không?
Tại điểm a khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (Được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 2 Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2019) quy định về căn cứ làm phát sinh quyền sở hữu trí tuệ như sau:
Điều 6. Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ
...
3. Quyền sở hữu công nghiệp được xác lập như sau:
a) Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
Theo đó, đối với các nhãn hiệu nổi tiếng thì không phải thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cũng sẽ được công nhận quyền sở hữu công nghiệp dựa vào cơ sở sử dụng.
Đối với nhãn hiệu nổi tiếng chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì có được công nhận quyền sở hữu và được bảo hộ hay không? (hình từ Internet)
Khi nào nhãn hiệu được đánh giá là nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ nhãn hiệu?
Tại Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì dựa vào các tiêu chí sau để xem xét đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng được bảo hộ nhãn hiệu:
- Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;
- Phạm vi lãnh thổ mà hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;
- Doanh số từ việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;
- Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;
- Uy tín rộng rãi của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
- Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;
- Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;
- Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.
Chú ý: Đoạn mở đầu "các tiêu chí sau đây được xem xét khi đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng:" tại Điều 75 này sẽ được sửa đổi bởi khoản 23 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.
Các quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ quy định như thế nào?
Về quyền này được quy định tại khoản 1 Điều 123 Luật Sở hữu trí thuệ 2005 như sau:
"Điều 123. Quyền của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp
1. Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp có các quyền tài sản sau đây:
a) Sử dụng, cho phép người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 124 và Chương X của Luật này;
b) Ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 125 của Luật này;
c) Định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Chương X của Luật này."
Theo đó Điều 124 và Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định như sau:
Điều 124. Sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
1. Sử dụng sáng chế là việc thực hiện các hành vi sau đây:
a) Sản xuất sản phẩm được bảo hộ;
b) Áp dụng quy trình được bảo hộ;
c) Khai thác công dụng của sản phẩm được bảo hộ hoặc sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ;
d) Lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông sản phẩm quy định tại điểm c khoản này;
đ) Nhập khẩu sản phẩm quy định tại điểm c khoản này.
2. Sử dụng kiểu dáng công nghiệp là việc thực hiện các hành vi sau đây:
a) Sản xuất sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ;
b) Lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông sản phẩm quy định tại điểm a khoản này;
c) Nhập khẩu sản phẩm quy định tại điểm a khoản này.
3. Sử dụng thiết kế bố trí là việc thực hiện các hành vi sau đây:
a) Sao chép thiết kế bố trí; sản xuất mạch tích hợp bán dẫn theo thiết kế bố trí được bảo hộ;
b) Bán, cho thuê, quảng cáo, chào hàng hoặc tàng trữ các bản sao thiết kế bố trí, mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí hoặc hàng hoá chứa mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí được bảo hộ;
c) Nhập khẩu bản sao thiết kế bố trí, mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí hoặc hàng hoá chứa mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí được bảo hộ.
4. Sử dụng bí mật kinh doanh là việc thực hiện các hành vi sau đây:
a) Áp dụng bí mật kinh doanh để sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ, thương mại hàng hoá;
b) Bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu sản phẩm được sản xuất do áp dụng bí mật kinh doanh.
5. Sử dụng nhãn hiệu là việc thực hiện các hành vi sau đây:
a) Gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh;
b) Lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hoá mang nhãn hiệu được bảo hộ;
c) Nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ.
6. Sử dụng tên thương mại là việc thực hiện hành vi nhằm mục đích thương mại bằng cách dùng tên thương mại để xưng danh trong các hoạt động kinh doanh, thể hiện tên thương mại trong các giấy tờ giao dịch, biển hiệu, sản phẩm, hàng hoá, bao bì hàng hoá và phương tiện cung cấp dịch vụ, quảng cáo.
7. Sử dụng chỉ dẫn địa lý là việc thực hiện các hành vi sau đây:
a) Gắn chỉ dẫn địa lý được bảo hộ lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện kinh doanh, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh;
b) Lưu thông, chào bán, quảng cáo nhằm để bán, tàng trữ để bán hàng hoá có mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ;
c) Nhập khẩu hàng hoá có mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.
Điều 125. Quyền ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
1. Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp và tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp nếu việc sử dụng đó không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp và tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc quyền quản lý chỉ dẫn địa lý không có quyền cấm người khác thực hiện hành vi thuộc các trường hợp sau đây:
a) Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc mục đích phi thương mại hoặc nhằm mục đích đánh giá, phân tích, nghiên cứu, giảng dạy, thử nghiệm, sản xuất thử hoặc thu thập thông tin để thực hiện thủ tục xin phép sản xuất, nhập khẩu, lưu hành sản phẩm;
b) Lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp, trừ sản phẩm không phải do chính chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu đưa ra thị trường nước ngoài;
c) Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí chỉ nhằm mục đích duy trì hoạt động của các phương tiện vận tải của nước ngoài đang quá cảnh hoặc tạm thời nằm trong lãnh thổ Việt Nam;
d) Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp do người có quyền sử dụng trước thực hiện theo quy định tại Điều 134 của Luật này;
đ) Sử dụng sáng chế do người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện theo quy định tại Điều 145 và Điều 146 của Luật này;
e) Sử dụng thiết kế bố trí khi không biết hoặc không có nghĩa vụ phải biết thiết kế bố trí đó được bảo hộ;
g) Sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu nhãn hiệu đó đã đạt được sự bảo hộ một cách trung thực trước ngày nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý đó;
h) Sử dụng một cách trung thực tên người, dấu hiệu mô tả chủng loại, số lượng, chất lượng, công dụng, giá trị, nguồn gốc địa lý và các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.
3. Chủ sở hữu bí mật kinh doanh không có quyền cấm người khác thực hiện các hành vi sau đây:
a) Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh thu được khi không biết và không có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được một cách bất hợp pháp;
b) Bộc lộ dữ liệu bí mật nhằm bảo vệ công chúng theo quy định tại khoản 1 Điều 128 của Luật này;
c) Sử dụng dữ liệu bí mật quy định tại Điều 128 của Luật này không nhằm mục đích thương mại;
d) Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra một cách độc lập;
đ) Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra do phân tích, đánh giá sản phẩm được phân phối hợp pháp với điều kiện người phân tích, đánh giá không có thoả thuận khác với chủ sở hữu bí mật kinh doanh hoặc người bán hàng.
Cần lưu ý rằng, điểm b khoản 5 Điều 124 và điểm b khoản 2 Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sẽ được sửa đổi bởi khoản 48 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.
Như vậy đối với nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ nhãn hiệu thì chủ sở hữu nhãn hiệu đó sẽ có các quyền nêu trên.
Ngô Diễm Quỳnh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Bảo hộ nhãn hiệu có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải về phiếu đánh giá chất lượng, xếp loại Đảng viên cuối năm? 03 bước đánh giá xếp loại Đảng viên cuối năm chuẩn?
- Ngày Pháp luật 9 tháng 11 có thể được tổ chức dưới hình thức nào? Cơ quan nào sẽ có trách nhiệm tổ chức Ngày pháp luật?
- Mẫu 02A, 02B Bản kiểm điểm cá nhân Đảng viên 2024 tải về? Cách viết mẫu Bản kiểm điểm cá nhân năm 2024 của Đảng viên ra sao?
- Trong hoạt động đăng ký môi trường, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm gì? Thời điểm đăng ký môi trường là khi nào?
- Ảnh chụp lén là gì? Người bị chụp ảnh lén có thể yêu cầu bồi thường những khoản thiệt hại khi danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm?