Đơn vị kế toán phải lập báo cáo tài chính khi nào? Không lập báo cáo thì đơn vị kế toán có bị xử phạt hay không?
Đơn vị kế toán phải lập báo cáo tài chính khi nào?
Theo Điều 29 Luật Kế toán 2015 quy định về báo cáo tài chính của đơn vị kế toán như sau:
Báo cáo tài chính của đơn vị kế toán
...
2. Việc lập báo cáo tài chính của đơn vị kế toán được thực hiện như sau:
a) Đơn vị kế toán phải lập báo cáo tài chính vào cuối kỳ kế toán năm; trường hợp pháp luật có quy định lập báo cáo tài chính theo kỳ kế toán khác thì đơn vị kế toán phải lập theo kỳ kế toán đó;
b) Việc lập báo cáo tài chính phải căn cứ vào số liệu sau khi khóa sổ kế toán. Đơn vị kế toán cấp trên phải lập báo cáo tài chính tổng hợp hoặc báo cáo tài chính hợp nhất dựa trên báo cáo tài chính của các đơn vị kế toán trong cùng đơn vị kế toán cấp trên;
c) Báo cáo tài chính phải được lập đúng nội dung, phương pháp và trình bày nhất quán giữa các kỳ kế toán; trường hợp báo cáo tài chính trình bày khác nhau giữa các kỳ kế toán thì phải thuyết minh rõ lý do;
d) Báo cáo tài chính phải có chữ ký của người lập, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán. Người ký báo cáo tài chính phải chịu trách nhiệm về nội dung của báo cáo.
Như vậy, đơn vị kế toán phải lập báo cáo tài chính vào cuối kỳ kế toán năm.
Kỳ kế toán năm là 12 tháng, tính từ đầu ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 năm dương lịch.
Trường hợp pháp luật có quy định lập báo cáo tài chính theo kỳ kế toán khác thì đơn vị kế toán phải lập theo kỳ kế toán đó.
Đơn vị kế toán phải lập báo cáo tài chính khi nào? (hình từ internet)
Nội dung công khai báo cáo tài chính là gì?
Theo Điều 31 Luật Kế toán 2015 quy định về nội dung công khai báo cáo tài chính như sau:
Nội dung công khai báo cáo tài chính
1. Đơn vị kế toán sử dụng ngân sách nhà nước công khai thông tin thu, chi ngân sách nhà nước theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
2. Đơn vị kế toán không sử dụng ngân sách nhà nước công khai quyết toán thu, chi tài chính năm.
3. Đơn vị kế toán sử dụng các khoản đóng góp của Nhân dân công khai mục đích huy động và sử dụng các khoản đóng góp, đối tượng đóng góp, mức huy động, kết quả sử dụng và quyết toán thu, chi từng khoản đóng góp.
4. Đơn vị kế toán thuộc hoạt động kinh doanh công khai các nội dung sau đây:
a) Tình hình tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu;
b) Kết quả hoạt động kinh doanh;
c) Trích lập và sử dụng các quỹ;
d) Thu nhập của người lao động;
đ) Các nội dung khác theo quy định của pháp luật.
5. Báo cáo tài chính của đơn vị kế toán mà pháp luật quy định phải kiểm toán khi công khai phải kèm theo báo cáo kiểm toán của tổ chức kiểm toán.
Như vậy, nội dung công khai báo cáo tài chính bao gồm:
- Tình hình tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu
- Kết quả hoạt động kinh doanh;
- Trích lập và sử dụng các quỹ;
- Thu nhập của người lao động;
- Các nội dung khác theo quy định của pháp luật.
Không lập báo cáo có bị xử phạt hay không?
Theo Điều 11 Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về lập và trình bày báo cáo tài chính như sau:
Xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính
....
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Lập không đầy đủ các báo cáo tài chính theo quy định;
b) Áp dụng mẫu báo cáo tài chính khác với quy định của chuẩn mực và chế độ kế toán trừ trường hợp đã được Bộ Tài chính chấp thuận.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không lập báo cáo tài chính theo quy định;
b) Lập báo cáo tài chính không đúng với số liệu trên sổ kế toán và chứng từ kế toán;
c) Lập và trình bày báo cáo tài chính không tuân thủ đúng chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán.
4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Giả mạo báo cáo tài chính, khai man số liệu trên báo cáo tài chính nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo báo cáo tài chính, khai man số liệu trên báo cáo tài chính nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
c) Cố ý, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc lập và trình bày báo cáo tài chính theo đúng chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Buộc tiêu hủy báo cáo tài chính bị giả mạo, khai man đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.
Như vậy, nếu đơn vị kế toán không lập báo cáo tài chính theo quy định thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc lập và trình bày báo cáo tài chính theo đúng chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán.
Lưu ý: Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân, nếu tổ chức có hành vi nêu trên thì mức phạt bằng 2 lần cá nhân.
Nguyễn Thị Thanh Xuân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Báo cáo tài chính có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trung cấp lý luận chính trị là gì? Đối tượng nào được đào tạo Trung cấp lý luận chính trị theo quy định?
- Quy trình tổ chức sát hạch giấy phép lái xe quân sự từ ngày 1/1/2025 được thực hiện theo Thông tư 68 như thế nào?
- Tổng biên chế của hệ thống chính trị được quyết định theo nhiệm kỳ nào? Nội dung quản lý biên chế?
- Mẫu số 3A lập báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu qua mạng là mẫu nào? Báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu gồm những gì?
- Phương pháp sát hạch giấy phép lái xe quân sự từ 1/1/2025 theo Thông tư 68 mới nhất như thế nào?