Giải quyết kiến nghị về lựa chọn nhà thầu có luôn phải thông qua Hội đồng tư vấn? Hội đồng tư vấn trong đấu thầu được tổ chức hoạt động như thế nào?
Việc giải quyết kiến nghị về lựa chọn nhà thầu có phải luôn phải thông qua Hội đồng tư vấn?
>> Mới nhất Tải Tổng hợp trọn bộ văn bản về Đấu thầu hiện hành
Căn cứ khoản 1 Điều 92 Luật Đấu thầu 2013 có quy định về Quy trình giải quyết kiến nghị về các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu thì không có đề cập đến Hội đồng tư vấn.
Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 92 Luật Đấu thầu 2013 có quy định về Quy trình giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu. Trong đó có nêu:
- Trường hợp chủ đầu tư, bên mời thầu không có văn bản trả lời hoặc nhà thầu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị thì nhà thầu có quyền gửi văn bản kiến nghị đồng thời đến người có thẩm quyền và Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị trong thời hạn 05 ngày làm việc,
- Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị cấp trung ương do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập; cấp bộ, cơ quan ngang bộ do Bộ trưởng, thứ trưởng cơ quan ngang bộ thành lập; cấp địa phương do người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu ở địa phương thành lập.
Như vậy chỉ đối với việc giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu mà trong trường hợp bên mời thầu không có văn bản trả lời hoặc nhà thầu không đồng ý với kết quả giải quyết, thì lúc này vai trò xem xét giải quyết kiến nghị của Hội đồng tư vấn mới được thực hiện.
Giải quyết kiến nghị về lựa chọn nhà thầu có luôn phải thông qua Hội đồng tư vấn? Hội đồng tư vấn trong được tổ chức hoạt động như thế nào? (Hình từ Internet)
Hội đồng tư vấn khi giải quyết kiến nghị trong đấu thầu được tổ chức hoạt động như thế nào?
Căn cứ Điều 119 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, Hội đồng tư vấn trong giải quyết kiến nghị trong đấu thầu được tổ chức và bao gồm các thành viên như sau:
- Về Chủ tịch Hội đồng tư vấn:
+ Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp Trung ương là đại diện có thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hội đồng tư vấn cấp Trung ương có trách nhiệm tư vấn về việc giải quyết kiến nghị trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ yêu cầu;
+ Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương (sau đây gọi là Hội đồng tư vấn cấp Bộ) là đại diện có thẩm quyền của đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý về hoạt động đấu thầu thuộc các cơ quan này. Hội đồng tư vấn cấp Bộ có trách nhiệm tư vấn về việc giải quyết kiến nghị đối với tất cả các gói thầu thuộc dự án do Bộ trưởng; Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương quyết định đầu tư hoặc quản lý theo ngành, trừ gói thầu quy định tại Điểm a Khoản này;
+ Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp tỉnh là đại diện có thẩm quyền của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Hội đồng tư vấn cấp tỉnh có trách nhiệm tư vấn về việc giải quyết kiến nghị đối với tất cả các gói thầu thuộc dự án trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm các gói thầu của doanh nghiệp đăng ký thành lập, hoạt động trên địa bàn, trừ gói thầu quy định tại Điểm a Khoản này.
- Về Thành viên Hội đồng tư vấn:
+ Thành viên Hội đồng tư vấn gồm đại diện của người có thẩm quyền, đại diện của hiệp hội nghề nghiệp liên quan. Tùy theo tính chất của từng gói thầu và trong trường hợp cần thiết, ngoài thành viên nêu trên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn có thể mời thêm các cá nhân tham gia với tư cách là thành viên của Hội đồng tư vấn.
+ Thành viên Hội đồng tư vấn không được là thân nhân (cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột) của người ký đơn kiến nghị, của các cá nhân trực tiếp tham gia đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của các cá nhân trực tiếp thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu và của người ký phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
- Về Hoạt động của Hội đồng tư vấn:
+ Chủ tịch Hội đồng tư vấn ra quyết định thành lập Hội đồng trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị của nhà thầu. Hội đồng tư vấn hoạt động theo từng vụ việc;
+ Hội đồng tư vấn làm việc theo nguyên tắc tập thể, biểu quyết theo đa số, có Báo cáo kết quả làm việc trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định; từng thành viên được quyền bảo lưu ý kiến và chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến của mình.
- Về Bộ phận thường trực giúp việc của Hội đồng tư vấn:
+ Bộ phận thường trực giúp việc là đơn vị được giao quản lý về hoạt động đấu thầu nhưng không gồm các cá nhân tham gia trực tiếp thẩm định gói thầu mà nhà thầu có kiến nghị;
+ Bộ phận thường trực giúp việc thực hiện các nhiệm vụ về hành chính do Chủ tịch Hội đồng tư vấn quy định; tiếp nhận và quản lý chi phí do nhà thầu có kiến nghị nộp.
Chi phí cho Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị của nhà thầu về kết quả lựa chọn nhà thầu là bao nhiêu?
Căn cứ khoản 8 Điều 9 Nghị định 63/2014/NĐ-CP có quy định như sau:
Chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu
...
8. Chi phí cho Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị của nhà thầu về kết quả lựa chọn nhà thầu là 0,02% giá dự thầu của nhà thầu có kiến nghị nhưng tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 50.000.000 đồng.
Như vậy, chi phí cho Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị của nhà thầu về kết quả lựa chọn nhà thầu là 0,02% giá dự thầu của nhà thầu có kiến nghị. Nhưng mức chi phí này tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 50.000.000 đồng.
Trần Thị Nguyệt Mai
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Lựa chọn nhà thầu có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hàng hóa thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư chuyển sang hàng hóa không thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư có được nộp bổ sung chứng từ?
- Hợp đồng chìa khóa trao tay có phải là hợp đồng xây dựng không? Nội dung của hợp đồng chìa khóa trao tay gồm những gì?
- Trường hợp nào thì tàu bay chưa khởi hành bị đình chỉ thực hiện chuyến bay? Đình chỉ thực hiện chuyến bay như thế nào?
- Mẫu tờ trình đề nghị giải thể cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trường chuyên biệt, giáo dục thường xuyên mới nhất?
- Công chức quản lý thuế có bao gồm công chức hải quan? Nghiêm cấm công chức hải quan bao che, thông đồng để gian lận thuế?