Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán có thời hạn tối đa là bao lâu? Giấy chứng nhận này không còn giá trị khi nào?
Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán có thời hạn tối đa là bao lâu?
Thời hạn tối đa của Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán được quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 296/2016/TT-BTC như sau:
Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán
1. Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:
a) Họ và tên, năm sinh, quê quán hoặc quốc tịch, ảnh của người được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán;
b) Số và ngày cấp chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên;
c) Tên doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán nơi người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán làm việc;
d) Số Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán;
đ) Thời hạn của Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.
2. Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán có thời hạn tối đa là 5 năm (60 tháng) nhưng không quá ngày 31/12 của năm thứ năm kể từ năm bắt đầu có hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.
3. Mẫu Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán được quy định tại Phụ lục số 05/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư này.
Theo quy định trên, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán có thời hạn tối đa là 5 năm (60 tháng) nhưng không quá ngày 31/12 của năm thứ năm kể từ năm bắt đầu có hiệu lực của Giấy chứng nhận này.
Đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán (Hình từ Internet)
Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán không còn giá trị khi nào?
Căn cứ Điều 9 Thông tư 296/2016/TT-BTC, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán hết hiệu lực hoặc không còn giá trị trong các trường hợp sau:
- Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán hết thời hạn.
- Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán bị thu hồi.
- Trong thời gian kế toán viên hành nghề bị đình chỉ hành nghề dịch vụ kế toán.
- Kế toán viên hành nghề không còn làm việc và chấm dứt hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.
- Hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán hết thời hạn hoặc có các thay đổi dẫn đến không còn bảo đảm là hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.
- Giấy phép lao động tại Việt Nam của kế toán viên hành nghề là người nước ngoài hết hiệu lực hoặc không còn giá trị.
- Kế toán viên hành nghề không tiếp tục hành nghề dịch vụ kế toán.
- Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán nơi kế toán viên hành nghề đăng ký hành nghề bị chia, bị tách, bị hợp nhất, bị sáp nhập, bị chấm dứt hoạt động, giải thể, phá sản.
- Người bị mất năng lực hành vi dân sự; người bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án một trong các tội xâm phạm quản lý kinh tế liên quan đến tài chính, kế toán; người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.
- Kế toán viên hành nghề bị chết, mất tích.
Người sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán không còn giá trị thì bị xử phạt thế nào?
Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán không còn giá trị được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 23 Nghị định 41/2018/NĐ-CP như sau:
Xử phạt hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán
...
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Nộp trả lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán cho Bộ Tài chính theo quy định chậm từ 15 ngày trở lên so với thời hạn quy định;
b) Sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán đã hết hiệu lực hoặc không còn giá trị để thực hiện các hoạt động dịch vụ kế toán.
...
Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 41/2018/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 5 Nghị định 102/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
Mức phạt tiền trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II, Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 7; Điều 8; Điều 9; Điều 10; Điều 11; Điều 13; Điều 14; Điều 15; Điều 16; Điều 17; Điều 19; khoản 1, khoản 3 Điều 21; Điều 22; Điều 23; Điều 24; Điều 26; Điều 33; Điều 34; khoản 1, khoản 3 Điều 36; khoản 1 Điều 38; khoản 2, khoản 3 Điều 39; khoản 1, khoản 2 Điều 48; khoản 1 Điều 57; khoản 1, khoản 2 Điều 61; Điều 67 là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Như vậy, người sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán không còn giá trị thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Trần Thị Tuyết Vân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Dịch vụ kế toán có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu ý kiến nhận xét đảng viên dự bị của tổ chức đoàn thể nơi làm việc? Hướng dẫn ưu và khuyết điểm nhận xét đảng viên dự bị?
- Tổng hợp Nghị quyết sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 mới nhất?
- Mẫu lời cảm ơn các cựu chiến binh Việt Nam 6 12 hay, ý nghĩa? Ngày này là ngày lễ lớn đúng không?
- Khi nào sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện xã theo Nghị quyết 18? Từng bước tiến hành sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện xã?
- Mẫu đơn yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất? Hướng dẫn điền Mẫu đơn yêu cầu hủy Giấy chứng nhận?