Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động Văn phòng đại diện công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam có thời hạn bao lâu?
- Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động Văn phòng đại diện công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam có thời hạn bao lâu?
- Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam gồm những gì?
- Văn phòng đại diện công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam có những quyền và nghĩa vụ nào?
- Văn phòng đại diện công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam hoạt động trong phạm vi nào?
Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động Văn phòng đại diện công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam có thời hạn bao lâu?
Vấn đề cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam được quy định tại khoản 1 Điều 178 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, theo đó:
Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của văn phòng đại diện công ty chứng khoán có thời hạn tối đa là 05 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản pháp lý tương đương của công ty chứng khoán nước ngoài.
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam gồm những gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 178 Nghị định 155/2020/NĐ-CP thì hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam gồm:
+ Giấy đề nghị theo Mẫu số 64 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP;
+ Quyết định của cấp có thẩm quyền theo Điều lệ công ty về việc thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, bổ nhiệm trưởng văn phòng đại diện;
+ Danh sách nhân sự kèm theo bản thông tin cá nhân theo Mẫu số 66, Mẫu số 67 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP; Phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ của trưởng Văn phòng đại diện tại Việt Nam;
+ Hợp đồng thuê trụ sở, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu trụ sở, quyền sử dụng trụ sở; thuyết minh cơ sở vật chất theo Mẫu số 65 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP;
+ Điều lệ của tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài.
+ Văn bản chấp thuận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài nơi tổ chức kinh doanh chứng khoán có trụ sở chính (nếu có).
+ Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài hoặc các văn bản tương đương do cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ cấp.
+ Báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài được kiểm toán. Tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài là công ty mẹ phải bổ sung báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán.
+ Trường hợp tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam phải bổ sung: danh sách các quỹ đầu tư, danh mục đầu tư tại Việt Nam có xác nhận của Ngân hàng lưu ký; Giấy chứng nhận đăng ký mã số giao dịch của các quỹ đầu tư tại Việt Nam.
Văn phòng đại diện công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam (Hình ảnh từ Internet)
Văn phòng đại diện công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam có những quyền và nghĩa vụ nào?
Căn cứ theo quy định khoản 2 Điều 10 Thông tư 97/2020/TT-BTC, văn phòng đại diện công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam có những quyền và nghĩa vụ sau:
- Được mở tài khoản bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam có gốc ngoại tệ tại ngân hàng thương mại được phép hoạt động kinh doanh ngoại hối tại Việt Nam và chỉ được sử dụng tài khoản này vào hoạt động của văn phòng đại diện. Việc mở, sử dụng và đóng tài khoản của văn phòng đại diện thực hiện theo quy định pháp luật có liên quan;
- Được tuyển dụng người lao động Việt Nam và lao động nước ngoài vào làm việc tại văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tuyển dụng người lao động nước ngoài làm việc tại văn phòng đại diện tại Việt Nam, công ty mẹ hoặc văn phòng đại diện (trong trường hợp được công ty mẹ ủy quyền) phải thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc tuyển dụng nhân sự nước ngoài kèm theo các văn bản xác nhận sự chấp thuận của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Lao động;
- Có dấu riêng theo quy định của pháp luật Việt Nam và chỉ được sử dụng dấu này trong các văn bản giao dịch thuộc quyền hạn và chức năng của văn phòng đại diện;
- Chỉ được thực hiện những hoạt động theo nội dung và trong thời hạn hoạt động quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện; không được thực hiện các hoạt động kinh doanh chứng khoán tại Việt Nam; không được thực hiện việc quản lý tài sản, quản lý vốn đầu tư cho các nhà đầu tư, kể cả phần vốn đầu tư của công ty mẹ tại Việt Nam và các hoạt động kinh doanh chứng khoán khác tại Việt Nam;
- Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Văn phòng đại diện công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam hoạt động trong phạm vi nào?
Phạm vi hoạt động của văn phòng đại diện công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam được quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư 97/2020/TT-BTC như sau:
Phạm vi hoạt động, quyền và nghĩa vụ của văn phòng đại diện và nhân viên tại văn phòng đại diện
Phạm vi hoạt động của văn phòng đại diện công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 78 Luật Chứng khoán.
Như vậy, phạm vi hoạt động của văn phòng đại diện công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam bao gồm một, một số hoặc toàn bộ nội dung sau đây:
+ Thực hiện chức năng văn phòng liên lạc và nghiên cứu thị trường;
+ Xúc tiến xây dựng các dự án hợp tác trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán tại Việt Nam;
+ Thúc đẩy, giám sát thực hiện các hợp đồng thỏa thuận đã ký kết giữa công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài với các tổ chức kinh tế của Việt Nam;
+ Thúc đẩy, giám sát thực hiện các dự án do công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tài trợ tại Việt Nam.
Thêm vào đó, văn phòng đại diện công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam không được thực hiện các hoạt động kinh doanh chứng khoán.
Phạm Phương Khánh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người lao động có phải nộp bản chính bằng đại học cho công ty khi ký hợp đồng lao động hay không?
- Chi phí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất là bao nhiêu theo quy định mới?
- Giá kê khai là gì? Có bắt buộc phải kê khai giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá không?
- Có phải đăng ký biến động quyền sử dụng đất khi người sử dụng đất thế chấp quyền sử dụng đất không?
- Người điều khiển ô tô có được dừng xe song song với xe khác không? Nếu không được thì có bị phạt không? Phạt bao nhiêu?