Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp có được tự ý tẩy xóa, sửa chữa nội dung hay không?
Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp được cấp trong trường hợp nào?
Theo khoản 1 Điều 12 Nghị định 113/2017/NĐ-CP quy định về trường hợp thực hiện cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp như sau:
"Điều 12. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp
1. Tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp phải có Giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp. Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp là điều kiện để thông quan khi xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp."
Ta thấy, Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp được cấp trong trường hợp tổ chức, cá nhân có tiến hành hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp.
Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp được cấp theo thủ tục nào?
Hồ sơ và thủ tục cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 12 Nghị định 113/2017/NĐ-CP như sau:
* Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp:
- Văn bản đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp theo mẫu quy định tại khoản 9 Điều này;
- Bản sao giấy tờ về việc đăng ký thành lập đối với tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu lần đầu;
- Bản sao hợp đồng hoặc một trong các tài liệu: Thỏa thuận mua bán, đơn đặt hàng, bản ghi nhớ, hóa đơn ghi rõ tên, số lượng tiền chất công nghiệp;
- Báo cáo về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán và sử dụng tiền chất công nghiệp của Giấy phép đã được cấp gần nhất đối với tiền chất công nghiệp Nhóm 1.
* Trình tự, thủ tục cấp phép:
- Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp lập 01 bộ hồ sơ gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến cơ quan có thẩm quyền cấp phép quy định tại khoản 8 Điều này;
- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ, trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp phép thông báo để tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. Thời gian hoàn chỉnh hồ sơ không được tính vào thời gian cấp phép quy định tại điểm c khoản này;
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp phép kiểm tra hồ sơ và cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp. Mẫu Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất được quy định tại Phụ lục VI của Nghị định này. Trường hợp không cấp Giấy phép, cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
Theo đó thủ tục cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp được miễn trừ trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 113/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Hàng hóa chứa tiền chất công nghiệp Nhóm 1 có hàm lượng nhỏ hơn 1% khối lượng;
- Hàng hóa chứa tiền chất công nghiệp Nhóm 2 có hàm lượng nhỏ hơn 5% khối lượng.
Căn cứ các quy định trên, ta thấy khi tiến hành hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp thì tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện hồ sơ và thủ tục cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp theo quy định, trừ các trường hợp được miễn trừ cấp Giấy phép.
Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp bị tẩy xóa, sửa chữa không?
Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp bị tẩy xóa, sửa chữa dẫn đến hậu quả pháp lý như thế nào?
Theo khoản 2 Điều 13 Nghị định 113/2017/NĐ-CP quy định về những trường hợp thu hồi Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp như sau:
Trường hợp phải thu hồi Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu:
- Tự ý tẩy xóa, sửa chữa nội dung của Giấy phép;
- Sử dụng giấy tờ giả, cung cấp thông tin không trung thực trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
- Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép chấm dứt hoạt động.
Ta thấy, đối với hành vi tự ý tẩy xóa, sửa chữa nội dung của Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp sẽ bị thu hồi Giấy phép theo quy định.
Và tại điểm a và điểm c khoản 10 Điều 1 Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định về mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định về hoạt động của Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp như sau:
* Hình thức xử phạt:
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung ghi trong Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp.
* Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp bị viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung cho cơ quan cấp Giấy phép.
Theo đó, mức phạt tiền này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân thực hiện. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 71/2019/NĐ-CP.
Như vậy, ta thấy khi thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện thủ tục cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp theo quy định (trừ trường hợp được miễn trừ cấp Giấy phép). Khi đã được cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm đảm bảo đúng nội dung của Giấy phép đã được cấp, trường hợp có hành vi tự ý tẩy xóa, sửa chữa nội dung của Giấy phép thì tổ chức, cá nhân sẽ bị thu hồi Giấy phép và bị áp dụng các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.
Trần Thị Huyền Trân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Giấy phép xuất khẩu có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quy trình chuyển đổi vàng miếng khác thành vàng miếng SJC của doanh nghiệp mua bán vàng miếng như thế nào?
- Lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo nhà chung cư thông qua tổ chức đấu thầu được thực hiện trong trường hợp nào?
- Đất công trình thủy lợi thuộc nhóm đất nào? Được sử dụng để làm gì? Ai có trách nhiệm quản lý công trình thủy lợi?
- Lưu ý khi điền xếp loại kết quả đánh giá trong mẫu phiếu tự đánh giá của giáo viên mầm non mới nhất?
- Phụ lục đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thiết bị y tế thực hiện kê khai giá mới nhất? Tải về ở đâu?