Hệ thống giàn giáo mô đun là gì? Thiết kế của hệ thống giàn giáo mô đun phải đáp ứng những yêu cầu nào?
Hệ thống giàn giáo mô đun là gì?
Theo tiểu mục 3.4 Mục 3 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13662:2023 thì hệ thống giàn giáo mô đun là giàn giáo có cấu tạo gồm các cột chống là thép ống đã được hàn cố định các loại mâm khóa kiểu nêm, kiểu hoa thị... theo một khẩu độ cho trước (thường là 500 mm), các mâm khóa này dùng để lắp các phụ kiện như thanh gióng dọc, thanh gióng ngang và các phụ kiện khác được chế tạo sẵn với các đầu khóa tương ứng để lắp đặt.
Hệ thống giàn giáo mô đun (Hình từ Internet)
Thiết kế của hệ thống giàn giáo mô đun phải đáp ứng những yêu cầu nào?
Yêu cầu đối với thiết kế của hệ thống giàn giáo mô đun được quy định tại Mục 8 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13662:2023 như sau:
Giàn giáo mô đun
8.1 Hệ thống giàn giáo mô đun phải được thiết kế để chịu tải của trọng lượng bản thân giàn giáo và tối thiểu bốn lần tải trọng dự kiến lớn nhất mà không bị phá hủy. Khoảng cách giữa các cột chống và giữa các thanh gióng dọc phải phù hợp với tải trọng tác dụng sao cho không vượt quá hệ số an toàn cho mọi kết cấu. Nhà sản xuất giàn giáo hoặc kỹ sư chuyên về giàn giáo phải lưu ý tới khoảng cách cho phép giữa các thanh gióng dọc và giữa các thanh gióng ngang.
8.2 Tất cả các cột chống phải lắp trên chân để kích và đặt trên tấm lót gỗ hoặc nền cứng đủ khả năng đỡ trọng lượng bản thân cùng với tải dự tính lớn nhất của giàn giáo. Các khóa của cột chống phải thẳng hàng theo phương thẳng đứng.
8.3 Cột chống phải lắp thẳng đứng, các thanh gióng dọc và gióng ngang phải nằm trên mặt phẳng nằm ngang.
8.4 Phần thanh gióng dọc của giàn giáo mô đun có thể không lắp nếu thanh gióng dọc đó có vị trí gần phía dưới thanh lan can giữa của hệ thống lan can bảo vệ biên. Trong trường hợp trên, khi di chuyển hệ thống lan can bảo vệ biên lên tầng khác, thì phải lắp bổ sung phần thanh gióng dọc. Khoảng cách theo phưong thẳng đứng giữa các thanh gióng dọc không vượt quá 2 m.
8.5 Hệ thống giàn giáo mô đun phải được lắp đặt giằng chéo mặt đứng đảm bảo cứng vững theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất giàn giáo.
8.6 Tầng cơ sở của hệ thống giàn giáo mô đun phải lắp giằng chéo ngang hoặc sử dụng các giải pháp phù hợp khác sao cho tầng cơ sở luôn bằng phẳng, vuông góc và các khớp nối phải cứng vững, theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
8.7 Tất cả các khớp nối phải được lắp và kiểm tra chắc chắn trước khi lắp tầng tiếp theo.
8.8 Tại các vị trí của hệ thống giàn giáo mô đun có khả năng bị nhổ lên, các đoạn cột chống phải được khoá chặt với nhau theo chiều đứng bằng các chốt hoặc biện pháp tương đương.
8.9 Hệ thống lan can bảo vệ biên phải được lắp tuân thủ 4.6. Lưới an toàn phải lắp theo các yêu cầu trong 4.6.8.
8.10 Lối lên xuống hệ thống giàn giáo mô đun phải đáp ứng các quy định trong 4.19.
8.11 Hệ thống giàn giáo mô đun mặt tiền phải neo chắc chắn vào tường hoặc kết cấu của công trình khi chiều cao của nó vượt bốn lần kích thước nhỏ nhất của để giáo. Neo thứ nhất phải tại tầng đế. Khoảng cách theo phương thẳng đứng giữa hai neo liền kề phải tuân theo các giá trị tùy thuộc vào chiều rộng của giàn giáo như sau: đối với giàn giáo có chiều rộng nhỏ hơn hoặc bằng 0,9 m thì khoảng cách giữa hai neo không quá 6 m; đối với giàn giáo có chiều rộng lớn hơn 0,9 m thì khoảng cách giữa hai neo không quá 7,9 m. Khoảng cách theo phương thẳng đứng giữa neo cuối với đỉnh của giàn giáo không được vượt quá bốn lần kích thước nhỏ nhất của để giáo. Khoảng cách theo phương nằm ngang giữa hai neo liền kề và giữa neo cuối với đầu mút giàn giáo không được vượt quá 9 m. Neo phải đảm bảo chống lật theo cả hai hướng vào trong và ra ngoài tường hoặc kết cấu công trình (xem 4.34 khi giàn giáo bao kín hoàn toàn hoặc bao kín từng từng phần).
8.12 Khẩu độ lớn nhất cho phép giữa các thanh gióng ngang sàn công tác phải tuân thủ 5.2, 5.3 và 5.4 và phù hợp với tải trọng của các thanh đỡ.
8.13 Hệ thống giàn giáo mô đun có chiều cao lớn hơn 38 m, phải được thiết kế bởi kỹ sư có chứng chỉ chuyên nghiệp, và phải lưu giữ một bản sao tại công trường để kiểm tra và kiểm định.
8.14 Hệ thống giàn giáo mô đun phải được lắp đặt và tháo dỡ bởi công nhân đã qua đào tạo và dưới sự giám sát của người có thẩm quyền.
8.15 Các bộ phận giàn giáo do các nhà sản xuất khác nhau chế tạo không được lắp vào cùng một hệ giàn giáo mô đun.
8.16 Trước khi lắp đặt hệ thống giàn giáo, người có chuyên môn phải tiến hành kiểm tra tất cả các bộ phận giàn giáo. Các bộ phận hư hỏng, biến dạng đều không được sử dụng và loại bỏ và đưa ra khỏi công trường.
8.17 Phải sử dụng các dụng cụ lắp, tháo giàn giáo theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
8.18 Phải tháo dỡ từ trên xuống và chỉ được bỏ neo khi mọi bộ phận phía trên neo đó đã được tháo.
Theo quy định trên, hệ thống giàn giáo mô đun phải được thiết kế để chịu tải của trọng lượng bản thân giàn giáo và tối thiểu bốn lần tải trọng dự kiến lớn nhất mà không bị phá hủy.
Đồng thời khoảng cách giữa các cột chống và giữa các thanh gióng dọc phải phù hợp với tải trọng tác dụng sao cho không vượt quá hệ số an toàn cho mọi kết cấu.
Nhà sản xuất giàn giáo hoặc kỹ sư chuyên về giàn giáo phải lưu ý tới khoảng cách cho phép giữa các thanh gióng dọc và giữa các thanh gióng ngang.
Giàn giáo mô đun chế tạo sẵn treo hai điểm phải đáp ứng những yêu cầu gì?
Yêu cầu đối với giàn giáo mô đun chế tạo sẵn treo hai điểm được quy định tại tiểu mục 20.13 Mục 20 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13662:2023 như sau:
Giàn giáo treo có tời nâng
...
20.13 Các yêu cầu đối với giàn giáo mô đun chế tạo sẵn treo hai điểm
20.13.1 Giàn giáo treo hai điểm, ghép từ các mô đun chế tạo sẵn phải tuân thủ 20.12.1 và 20.12.3.
20.13.2 Dụng cụ, khung đỡ tời, khớp nối và các phụ kiện khác phải tuân thủ 20.2, 20.12.2 và 20.12.3. Khung đỡ tời công xơn cho phép đi bên dưới phải có hệ thống lan can bào vệ biên 2 mặt cuối.
20.13.3 Mô đun sàn công tác và mô đun sàn công tác lắp ghép phải được thử nghiệm thiết kế. Thử nghiệm thiết kế phải được tiến hành bởi một phòng thí nghiệm độc lập có chức năng và được cơ quan có thẩm quyền cáp phép.
20.13.4 Mô đun sàn công tác và mô đun sàn công tác lắp ghép phải được thiết kế với hệ số an toàn ổn định bằng hai lần tải trọng định mức.
20.13.5 Giàn giáo ghép từ các mô đun tạo thành sàn có hình dạng đặc biệt như ôm góc, dạng zic zắc hoặc có nhiều tời nâng, phải được thiết kế bởi nhà sản xuất hoặc bởi kỹ sư chuyên nghiệp có chứng chỉ hành nghề và phải được lắp đặt dưới sự giám sát của người có chuyên môn.
20.13.6 Mô đun sàn công tác hoặc một đơn vị sàn công tác phải có bảng hướng dẫn các phương án tổ hợp và tải trọng định mức của các tổ hợp đó.
20.13.6 Mọi cá nhân khi làm việc trên giàn giáo treo ghép từ các mô đun phải sử dụng thiết bị chống rơi ngã cá nhân tuân thủ 20.5.
Như vậy, giàn giáo mô đun chế tạo sẵn treo hai điểm phải đáp ứng những yêu cầu được quy định tại tiểu mục 20.13 Mục 20 nêu trên.
Trần Thị Tuyết Vân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Giàn giáo có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quỹ phát triển đất có được huy động vốn không? Nguồn tài chính của Quỹ phát triển đất có phải được phân bổ từ việc huy động vốn không?
- Tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không có phương án sử dụng có bị phạt không?
- Có mấy biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng? Hợp đồng tư vấn xây dựng có bắt buộc bảo đảm thực hiện hợp đồng?
- Cách tính trợ cấp tai nạn lao động một lần đối với người lao động tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện từ 1 1 2025 theo Nghị định 143 2024?
- Đảng viên không làm bản kiểm điểm Đảng viên có tăng nặng xử lý kỷ luật không? Đảng viên vi phạm kỷ luật có phải kiểm điểm trước chi bộ?