Hộ gia đình có thể xin hoãn chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục hiện trạng ban đầu trong xử phạt vi phạm hành chính được không?
- Việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định thế nào?
- Hộ gia đình có thể xin hoãn chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục hiện trạng ban đầu trong xử phạt vi phạm hành chính được không?
- Khi hộ gia đình không chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục hiện trạng ban đầu trong xử phạt vi phạm hành chính thì sẽ bị xử lý thế nào?
Việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định thế nào?
Theo quy định tại Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này. Việc khiếu nại, khởi kiện được giải quyết theo quy định của pháp luật.
2. Người có thẩm quyền xử phạt đã ra quyết định xử phạt có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt và thông báo kết quả thi hành xong quyết định cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp, cơ quan tư pháp địa phương.
Theo đó, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Biện pháp khắc phục hậu quả (Hình từ Internet)
Hộ gia đình có thể xin hoãn chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục hiện trạng ban đầu trong xử phạt vi phạm hành chính được không?
Căn cứ Điều 76 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về hoãn thi hành quyết định phạt tiền như sau:
Hoãn thi hành quyết định phạt tiền
1. Việc hoãn thi hành quyết định phạt tiền được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Cá nhân bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng trở lên, tổ chức bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng trở lên;
b) Cá nhân đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn; tổ chức đang gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh.
Trường hợp cá nhân gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi ngươi đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc; trường hợp cá nhân gặp khó khăn về kinh tế do mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn thì phải có thêm xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện trở lên.
Trường hợp tổ chức đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.
2. Cá nhân, tổ chức phải có đơn đề nghị hoãn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính kèm theo văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, theo quy định tại khoản 1 Điều này gửi người đã ra quyết định xử phạt trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 68 của Luật này. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, người đã ra quyết định xử phạt xem xét, quyết định hoãn thi hành quyết định xử phạt đó.
Thời hạn hoãn thi hành quyết định xử phạt không quá 03 tháng, kể từ ngày có quyết định hoãn.
3. Cá nhân, tổ chức được hoãn chấp hành quyết định xử phạt được nhận lại giấy tờ, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đang bị tạm giữ theo quy định tại khoản 6 Điều 125 của Luật này.
Như vậy, việc hoãn chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả thì chưa có quy định hướng dẫn, chỉ có quy định về hoãn chấp hành quyết định phạt tiền.
Do đó, nếu người vi phạm không chủ động chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả (buộc khôi phục hiện trạng ban đầu trước khi vi phạm) thì có thể bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Khi hộ gia đình không chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục hiện trạng ban đầu trong xử phạt vi phạm hành chính thì sẽ bị xử lý thế nào?
Theo Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi khoản 43 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
1. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
a) Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 73 của Luật này;
b) Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5 Điều 85 của Luật này.
2. Các biện pháp cưỡng chế bao gồm:
a) Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm;
b) Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;
c) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.
d) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.
3. Chính phủ quy định cụ thể về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Theo đó, khi hộ gia đình không chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục hiện trạng ban đầu trong xử phạt vi phạm hành chính thì sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.
Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt là những biện pháp được quy định tại khoản 2 Điều 86 nêu trên.
Trần Thị Tuyết Vân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Vi phạm hành chính có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Sơ cấp lý luận chính trị là gì? Tốt nghiệp trung học cơ sở có được học sơ cấp lý luận chính trị không?
- Đảng bộ, chi bộ cơ sở cơ quan là hạt nhân chính trị ở cơ sở đúng không? Nhiệm vụ lãnh đạo công tác chính trị tư tưởng?
- Trung cấp lý luận chính trị là gì? Đối tượng nào được đào tạo Trung cấp lý luận chính trị theo quy định?
- Quy trình tổ chức sát hạch giấy phép lái xe quân sự từ ngày 1/1/2025 được thực hiện theo Thông tư 68 như thế nào?
- Tổng biên chế của hệ thống chính trị được quyết định theo nhiệm kỳ nào? Nội dung quản lý biên chế?