Hộ gia đình thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa muốn xin hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội có phải nộp hồ sơ chứng minh đủ điều kiện được hưởng chính sách hay không?
Chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội áp dụng cho đối tượng nào?
Theo Điều 49 Luật Nhà ở 2014 quy định về các đối tượng sau đây nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 51 Luật này thì được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, bao gồm:
- Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;
- Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn;
- Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu;
- Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;
- Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;
- Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;
- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
- Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 5 Điều 81 của Luật này;
- Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập;
- Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
Theo đó, các đối tượng trên nếu chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội khi xin hỗ trợ nhà ở xã hội phải có đơn đề nghị hỗ trợ nhà ở theo mẫu do Bộ Xây dựng hướng dẫn, giấy tờ chứng minh về đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này và giấy tờ chứng minh các điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này, thực hiện theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
(1) Giấy tờ chứng minh về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội như sau:
- Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Nhà ở phải có giấy tờ chứng minh về đối tượng theo quy định của pháp luật về người có công với cách mạng, xác nhận về thực trạng nhà ở và chưa được hỗ trợ nhà ở của Nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú cấp;
- Đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 49 Luật Nhà ở thì phải có giấy xác nhận về đối tượng do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú từ một năm trở lên nếu có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác;
- Đối tượng quy định tại các khoản 5, 6, 7 Điều 49 Luật Nhà ở thì phải có xác nhận về đối tượng do cơ quan nơi đang làm việc về đối tượng;
- Đối tượng quy định tại khoản 8 Điều 49 Luật Nhà ở thì phải có giấy tờ chứng minh đối tượng được thuê nhà ở công vụ do cơ quan quản lý nhà ở công vụ cấp;
- Đối tượng quy định tại khoản 9 Điều 49 Luật Nhà ở thì phải có giấy tờ chứng minh về đối tượng do cơ sở đào tạo nơi đối tượng đang học tập;
- Đối tượng quy định tại khoản 10 Điều 49 Luật Nhà ở thì phải có bản sao có chứng thực chứng minh người đó có tên trong Danh sách thu hồi đất ở, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan có thẩm quyền;
- Trường hợp đối tượng là người khuyết tật quy định tại Điều 23 Nghị định này thì phải có xác nhận là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.
(2) Giấy tờ chứng minh về điều kiện thực trạng nhà ở như sau:
- Đối tượng quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6, 7 Điều 49 Luật Nhà ở thì phải có xác nhận về thực trạng nhà ở và chưa được hỗ trợ nhà ở, đất ở của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú từ một năm trở lên nếu có thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác;
- Đối tượng quy định tại khoản 8 Điều 49 Luật Nhà ở thì phải có giấy xác nhận của cơ quan quản lý nhà ở công vụ về việc đã trả lại nhà ở công vụ;
- Đối tượng quy định tại khoản 9 Điều 49 Luật Nhà ở thì phải có xác nhận của cơ sở đào tạo nơi đối tượng đang học tập về việc chưa được thuê nhà ở tại nơi học tập;
- Đối tượng quy định tại khoản 10 Điều 49 Luật Nhà ở thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi người có nhà, đất bị thu hồi về việc chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở tái định cư.
(3) Giấy tờ chứng minh về điều kiện cư trú như sau:
- Trường hợp đối tượng đăng ký xin mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội có đăng ký hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội thì phải có bản sao có chứng thực hộ khẩu thường trú hoặc giấy đăng ký hộ khẩu tập thể tại địa phương đó;
- Trường hợp đối tượng đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không có hộ khẩu thường trú theo quy định tại điểm a khoản này thì phải có bản sao giấy xác nhận đăng ký tạm trú và giấy xác nhận đóng bảo hiểm xã hội từ 01 năm trở lên tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội;
- Kể từ ngày Luật Cư trú có hiệu lực (ngày 01 tháng 7 năm 2021) thì việc xác nhận đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú thực hiện theo quy định của Luật Cư trú; trường hợp đã được cấp Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.
(4) Giấy tờ chứng minh về điều kiện thu nhập như sau:
- Các đối tượng quy định tại khoản 5, 6 và 7 Điều 49 Luật Nhà ở phải có xác nhận của cơ quan, đơn vị mà người đó đang làm việc về mức thu nhập thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân;
- Các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 49 Luật Nhà ở tự kê khai về mức thu nhập của bản thân và chịu trách nhiệm về thông tin tự kê khai. Sở Xây dựng liên hệ với Cục thuế địa phương để xác minh thuế thu nhập của các đối tượng này trong trường hợp cần thiết.
(5) Các đối tượng quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở phải đáp ứng điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 51 Luật Nhà ở, trường hợp có nhà ở thuộc sở hữu của mình thì diện tích nhà ở bình quân dưới 10 m2/người.
Căn cứ các quy định trên, ta thấy hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội nếu chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội khi xin hỗ trợ nhà ở xã hội phải có đơn đề nghị hỗ trợ nhà ở và các giấy tờ chứng minh theo quy định của pháp luật.
Chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội
Chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội thực hiện theo hình thức thế nào?
Theo Điều 50 Luật Nhà ở 2014 quy định về hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội như sau:
"Điều 50. Hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội
1. Hỗ trợ giải quyết cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội cho các đối tượng quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6, 7, 8 và 10 Điều 49 của Luật này; đối với đối tượng quy định tại khoản 9 Điều 49 của Luật này thì chỉ được thuê nhà ở xã hội.
2. Hỗ trợ theo các chương trình mục tiêu về nhà ở để đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 49 của Luật này xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.
3. Hỗ trợ giao đất ở có miễn, giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc tặng nhà ở cho đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 49 của Luật này.
4. Hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để các đối tượng quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6 và 7 Điều 49 của Luật này xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở."
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội tuân theo nguyên tắc nào?
Nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội được quy định tại Điều 52 Luật Nhà ở 2014 như sau:
- Việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
+ Có sự kết hợp giữa Nhà nước, cộng đồng dân cư, dòng họ và đối tượng được hỗ trợ trong việc thực hiện chính sách;
+ Bảo đảm công khai, minh bạch, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cộng đồng dân cư;
+ Bảo đảm đúng đối tượng, đủ điều kiện theo quy định của Luật này;
+ Trường hợp một đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau thì được hưởng một chính sách hỗ trợ mức cao nhất; trường hợp các đối tượng có cùng tiêu chuẩn và điều kiện thì đối tượng là người khuyết tật, nữ giới được ưu tiên hỗ trợ trước;
+ Trường hợp hộ gia đình có nhiều đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ thì chỉ áp dụng một chính sách hỗ trợ cho cả hộ gia đình.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội trên địa bàn.
Như vậy, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội nếu chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội khi xin hỗ trợ nhà ở xã hội phải có đơn đề nghị hỗ trợ nhà ở và các giấy tờ chứng minh theo quy định của pháp luật. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội phải đảm bảo hình thức và tuân thủ nguyên tắc hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Trần Thị Huyền Trân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Viên chức Bộ Tư pháp được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ trong bao nhiêu năm thì bị đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc?
- Mẫu phiếu đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị tại Trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước? Cách chấm điểm tiêu chí đánh giá?
- Đối tượng được hỗ trợ bằng tiền không quá 05 lần giá đất nông nghiệp khi bị thu hồi đất theo Luật Đất đai mới?
- Mẫu bảng tổng hợp kết quả đánh giá của đồng nghiệp trong tổ chuyên môn sử dụng trong đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non?
- Mẫu danh sách thanh niên xung phong được hưởng chế độ trợ cấp một lần là mẫu nào? Tải về file word ở đâu?