Hộ kinh doanh có được phép thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động hay không? Nếu không phải là hộ kinh doanh mà là doanh nghiệp thì phải xin cấp Giấy phép cho thuê lại lao động như thế nào?
Cho thuê lại lao động được hiểu như thế nào?
Theo định nghĩa tại Điều 52 Bộ luật Lao động 2019 thì cho thuê lại lao động và hoạt động cho thuê lại lao động được hiểu như sau:
- Cho thuê lại lao động là việc người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động.
- Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ được thực hiện bởi các doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động và áp dụng đối với một số công việc nhất định.
Hộ kinh doanh có được phép thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động hay không? Nếu không phải là hộ kinh doanh mà là doanh nghiệp thì xin cấp Giấy phép cho thuê lại lao động như thế nào?
Hộ kinh doanh có được phép thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động không?
Theo quy định tại Điều 21 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện sau đây để được cấp Giấy phép, cụ thể:
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động phải bảo đảm điều kiện:
+ Là người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
+ Không có án tích;
+ Đã có thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý về cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động từ đủ 03 năm (36 tháng) trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.
- Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 đồng (hai tỷ đồng).
Như vậy, hộ kinh doanh (không phải là doanh nghiệp) không được thực hiện kinh doanh cho thuê lại lao động.
Xin cấp Giấy phép cho thuê lại lao động được thực hiện như thế nào?
Tiểu mục 3 Mục I Phần II Thủ tục hành chính mới ban hành sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong lĩnh vực lao động, tiền lương thuộc phạm vi chức năng quản lý của nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 338/QĐ-LĐTBXH năm 2021 hướng dẫn thủ tục đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động như sau:
Trình tự thực hiện
- Bước 1: Doanh nghiệp gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để đề nghị cấp giấy phép. Sau khi kiểm tra đủ giấy tờ quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy biên nhận ghi rõ ngày, tháng, năm nhận hồ sơ.
- Bước 2: Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đảm bảo theo quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm tra, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động đối với doanh nghiệp.
Trường hợp hồ sơ không đảm bảo theo quy định, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ.
- Bước 3: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, cấp giấy phép đối với doanh nghiệp; trường hợp không cấp giấy phép thì có văn bản trả lời doanh nghiệp trong đó nêu rõ lý do không cấp giấy phép.
Cách thức thực hiện
Thực hiện theo một trong các hình thức sau:
- Nộp hồ sơ qua cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Nộp hồ sơ trực tiếp đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Nộp hồ sơ qua đường bưu điện đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Thành phần, số lượng hồ sơ
* Thành phần hồ sơ gồm:
- Văn bản đề nghị cấp giấy phép của doanh nghiệp theo Mẫu số 05/PLIII Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ.
- Bản lý lịch tự thuật của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo Mẫu số 07/PLIII Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ.
- Phiếu lý lịch tư pháp số 1 theo quy định pháp luật về lý lịch tư pháp của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Trường hợp người đại diện theo pháp luật là người nước ngoài không thuộc đối tượng được cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1 thì được thay thế bằng phiếu lý lịch tư pháp tại quốc gia mang quốc tịch (phiếu lý lịch tư pháp được cấp trước ngày nộp hồ sơ không quá 06 tháng; văn bản bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt, chứng thực và được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định pháp luật).
- Văn bản chứng minh thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý về cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp từ đủ 03 năm (36 tháng) trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép là một trong các loại văn bản sau:
+ Bản sao được chứng thực từ bản chính hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc hoặc quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm, giao nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Trường hợp văn bản là văn bản của nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt, chứng thực và được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định pháp luật.
+ Bản sao được chứng thực từ bản chính quyết định bổ nhiệm (đối với người làm việc theo chế độ bổ nhiệm) hoặc văn bản công nhận kết quả bầu (đối với người làm việc theo chế độ bầu cử) của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với trường hợp là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cho thuê lại hoặc cung ứng lao động). Trường hợp văn bản là văn bản của nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt, chứng thực và được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định pháp luật.
- Giấy chứng nhận tiền ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động theo Mẫu số 01/PLIII Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ.
* Số lượng hồ sơ: 01 (một) bộ.
Thời hạn giải quyết: 27 ngày làm việc (kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ).
Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Doanh nghiệp
Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động hoặc công văn thông báo lý do không cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động (trong đó có nêu rõ lý do từ chối).
Phí, lệ phí: Không.
Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai
- Văn bản đề nghị cấp Giấy phép của doanh nghiệp theo Mẫu số 05/PLIII, Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ.
- Bản lý lịch tự thuật của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo Mẫu số 07/PLIII, Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ.
Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính
(1) Doanh nghiệp được cấp giấy phép phải đảm bảo các quy định sau đây:
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động phải đảm bảo điều kiện:
+ Là người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
+ Không có án tích.
+ Đã có thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý về cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động từ đủ 03 năm (36 tháng) trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.
- Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 đồng (hai tỷ Việt Nam đồng) tại ngân hàng thương mại của Việt Nam hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
(2) Doanh nghiệp không được cấp giấy phép trong các trường hợp sau đây:
- Không bảo đảm điều kiện theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ;
- Đã sử dụng giấy phép giả để hoạt động cho thuê lại lao động;
- Có người đại diện theo pháp luật đã từng là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép vì những lý do tại các điểm d, đ và điểm e khoản 1 Điều 28 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ trong 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động;
- Có người đại diện theo pháp luật đã từng là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sử dụng giấy phép giả.
Tải về mẫu Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động mới nhất 2023: Tại Đây
Đặng Tấn Lộc
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Cho thuê lại lao động có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lời dẫn chương trình kiểm điểm Đảng viên cuối năm 2024 ngắn gọn? Bản kiểm điểm Đảng viên năm 2024 mẫu 2A, mẫu 2B?
- Tặng cho nhà ở có bắt buộc phải lập thành văn bản không? Nhận tặng cho nhà ở có bắt buộc phải đi đăng ký quyền sở hữu không?
- Mẫu hợp đồng xây dựng nhà xưởng là mẫu nào? Có được áp dụng hợp đồng trọn gói đối với hợp đồng xây dựng nhà xưởng không?
- Người lao động có được xin tạm ứng tiền lương không? Mẫu đơn đề nghị tạm ứng tiền lương dành cho người lao động hiện nay?
- Mẫu Báo cáo kiểm điểm Ban chấp hành đoàn mới nhất? Quy trình bầu Ban Chấp hành đoàn khoá mới thế nào?